1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

TPHCM: Thế mạnh sông nước của quận 7 cần được khai phá

Q.Huy

(Dân trí) - Là một trong những địa phương có thế mạnh sông nước nhưng giao thông, du lịch đường thủy của quận 7 (TPHCM) vẫn chưa có sự phát triển.

Sáng 28/6, UBND quận 7 tổ chức hội thảo khoa học về chiến lược phát triển địa phương đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh, quận 7 cần tìm ra những phương án, giải pháp để tận dụng hết tiềm năng trong giai đoạn mới, sau 25 năm thành lập.

Các chuyên gia, nhà khoa học đều chung ý kiến, quận 7 có lợi thế phát triển về hạ tầng, đô thị sớm hơn so với phần còn lại của TPHCM. Quận cũng có Khu chế xuất Tân Thuận quy mô lớn, được hình thành từ rất sớm. Tuy nhiên, những sự đi trước ấy vô tình trở thành nút thắt trong thời điểm hiện tại.

TPHCM: Thế mạnh sông nước của quận 7 cần được khai phá - 1

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu mở đầu hội thảo (Ảnh: Q.H.).

"Quận 7 là cửa ngõ phía Nam của TPHCM, là gạch kết nối của thành phố với các tỉnh, thành miền Đông, miền Tây và vươn ra mặt biển. Vấn đề cần phân tích là nếu TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế thì quận 7 sẽ ở đâu trong trung tâm đó", ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu mở đầu hội thảo.

Khu chế xuất Tân Thuận cần thay đổi

Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho biết, Khu chế xuất Tân Thuận được thành lập từ năm 1991. Đây cũng là khu chế xuất đầu tiên của cả nước, giúp luật hóa, thể chế hóa và ra đời hàng loạt khu công nghiệp tại TPHCM và cả nước.

 "Tôi có nhiều suy nghĩ về việc Khu chế xuất Tân Thuận sẽ phát triển thế nào trong giai đoạn mới. Nếu vẫn để Khu chế xuất Tân Thuận phát triển công nghiệp như hiện tại, quy hoạch khu đô thị kiểu mẫu của quận 7 sẽ bị ảnh hưởng", ông Trần Hoàng Ngân nhận định.

TPHCM: Thế mạnh sông nước của quận 7 cần được khai phá - 2

Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (Ảnh: Q.H.).

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng, quận 7 cần hướng tới việc phát triển các ngành nghề ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo. Khu chế xuất Tân Thuận có thể tính tới việc phát triển các trung tâm nghiên cứu, trung tâm phần mềm trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, cũng nhìn nhận, Khu chế xuất Tân Thuận có thể coi là niềm tự hào của thành phố. Tuy nhiên không gian phát triển của TPHCM và quận 7 khác nhiều so với cách đây mấy chục năm, Khu chế xuất Tân Thuận cần thay đổi để tiếp tục đóng góp cho đầu tàu kinh tế.

"Do Khu chế xuất Tân Thuận ra đời sớm, các nhà đầu tư vẫn sử dụng công nghệ từ thời điểm đó. Hiện tại, các khu công nghiệp khác trên cả nước như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Ninh, Thái Nguyên… đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ", ông Nguyễn Văn Đua phân tích.

TPHCM: Thế mạnh sông nước của quận 7 cần được khai phá - 3

Khu chế xuất Tân Thuận cần thay đổi để phù hợp tình hình mới (Ảnh: A.X.).

Ông Nguyễn Văn Đua đưa ra phương án, Khu chế xuất Tân Thuận có thể tiếp tục duy trì các hoạt động như hiện tại, nhưng cần đổi mới các chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Phương án còn lại, Khu chế xuất Tân Thuận cần chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghệ cao, thương mại, dịch vụ…

Cần tận dụng tiềm năng sông nước

Bà Phạm Thị Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, chia sẻ, quận 7 nằm trên con đường hướng ra biển Đông và thế giới, có vị trí chiến lược cả giao thông đường bộ và đường thủy. Quận có nhiều sông, rạch, kênh chảy qua như sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, sông Ông Lớn, sông Phú Xuân, kênh Tẻ, rạch Rơi…

Từ đặc điểm trên, bà Phạm Thị Phương Thảo cho rằng, quận 7 có đủ điều kiện để phát triển ngành du lịch gắn với môi trường sông nước. Phương án được đưa ra là cảnh quan sông Sài Gòn, kênh, rạch cần được tạo điều kiện để người dân tiếp cận, từ những dòng nước, TPHCM và quận 7 có thể phát triển các khu chợ hoa, chợ nổi, chợ trái cây gắn với hình ảnh "trên bến dưới thuyền".

TPHCM: Thế mạnh sông nước của quận 7 cần được khai phá - 4

Quận 7 có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch gắn với hình ảnh trên bến dưới thuyền (Ảnh minh họa: P.N.).

Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM cũng góp ý, quận 7 nên phát triển các loại hình văn hóa, tăng thêm sản phẩm du lịch, trùng tu, tôn tạo các công trình lịch sử. Để phục vụ đời sống tinh thần người dân, quận cần xây dựng thêm các cơ sở sinh hoạt văn hóa, khu vui chơi giải trí, công trình phục vụ thể dục, thể thao có điểm nhấn.

Phân tích về hệ thống kênh, rạch của quận 7, KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch TPHCM, cho biết, quận 7 có thể coi là một bán đảo khi có 3 mặt tiếp giáp sông Sài Gòn, sông Soài Rạp, kênh Tẻ. Ở giữa 3 dòng nước này có rất nhiều rạch nhỏ uốn lượn, với những bãi sú, vẹt, dừa nước.

"Khi thủy triều lên, nước lớn cho phép thuyền du lịch nhỏ đi xuyên dưới những tán dừa. Du khách có thể khám phá các vùng đất ngập nước độc đáo", KTS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ về tiềm năng phát triển du lịch.

TPHCM: Thế mạnh sông nước của quận 7 cần được khai phá - 5

Toàn cảnh hội thảo khoa học về chiến lược phát triển quận 7 (Ảnh: Q.H.).

Tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, nhìn nhận, quận 7 là cửa ngõ phía nam, nằm trên trục kết nối đông tây ra ven biển. Với điều kiện thuận lợi cả đường bộ và đường thủy, nếu có chiến lược tốt, địa phương này sẽ tiếp cận với mặt biển thuận lợi, khai thác tốt nhiều lợi thế.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng dẫn lại lời một số chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, quận 7 là địa phương có lợi thế về sông nước thuộc hàng đầu thế giới. Bài toán được đặt ra là cách để quận phát huy tiềm năng này, trở thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm