1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Sẽ tháo dỡ 138 chung cư xuống cấp

Đầu tháng 5/2007, Chính phủ ra nghị quyết cải tạo, nâng cấp các chung cư cũ, xuống cấp tại các đô thị. Tại TPHCM, theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện có 138 chung cư hư hỏng, xuống cấp cần phải tháo dỡ; tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là gần 14.600 hộ.

Nóng ruột chờ di dời

 

Cơn mưa chiều 12/5 làm không khí bên trong chung cư (CC) 727 Trần Hưng Đạo (Q.5) càng thêm ẩm thấp. CC này nguyên là một khách sạn được xây dựng từ trước năm 1975, hiện đã xuống cấp trầm trọng. Những hành lang bên trong CC ngập đầy nước và rác, một số lan can bằng sắt đã gỉ sét, mục gãy, lung lay rất nguy hiểm.

 

Theo báo cáo tổng hợp của UBND Q.5 gửi Sở Xây dựng TPHCM, hiện có 534 hộ dân đang sống trong CC này. Theo đó, CC đang trong tình trạng “kết cấu đà, cột một số chỗ bong lớp bê tông bảo vệ, lòi cốt thép bị gỉ sét. Sàn một số chỗ bị võng, tường bị nứt. Hệ thống điện đã cũ lâu năm không an toàn”. Khoảng 2 năm trước Công ty quản lý và phát triển nhà Q.5 đã cho lắp mới 2 cầu thang sắt thoát hiểm nhưng hiện nay 1 trong 2 cầu thang đó cũng đã bị mục khiến nhiều người không dám sử dụng.

 

Những hộ dân sống trong CC này đều rất mong muốn được chuyển đi nơi khác. Bà Đặng Ngọc Trinh, Tổ trưởng tổ dân cư 41 sống tại phòng 311 nói: “Đã quá nhiều lần chính quyền các cấp hứa sẽ di dời, giải tỏa CC này nhưng đến nay vẫn chỉ là lời hứa. Tường bên trong các căn hộ bị nứt, thấm, dột từ các căn hộ bên trên xuống. Chúng tôi phải tự sửa chữa chắp vá để cải thiện tình hình. Lầu 1 xuống cấp nặng nhất, bà con rất cực khổ”. Thỉnh thoảng, vài mảng bê tông trên trần lại bong ra rơi xuống rất nguy hiểm, may mắn là cho đến nay chưa ai bị thương.

 

Cây mọc bên ngoài CC đã đâm rễ vào một số nhà làm cho tường bị vỡ, thấm nước vào nhà. Ông Nguyễn Hữu Chinh - Trưởng ban quản trị CC - cho biết: “Đã có kế hoạch di dời dân ở CC này về số 402 Hàm Tử nhưng cho đến giờ ở đó vẫn còn là mảnh đất trống, chưa thấy động thổ. Có lẽ phải 5-7 năm nữa dân ở CC 727 mới được di dời. CC này đã quá xuống cấp nhưng từ trước đến nay mới được sửa chữa 2 lần vào năm 1996 và 2001, mà chủ yếu sửa chữa theo kiểu chắp vá. Chúng tôi đề nghị nếu chưa có phương án giải tỏa thì phải tổ chức sửa chữa lại ngay để đảm bảo an toàn cho bà con sống ở đây”.

 

CC Nguyễn Kim, Q.10 cũng là một trong các CC rất cũ của thành phố. Các hộ dân ở đây cho biết, hệ thống thoát nước của CC này đã xuống cấp trầm trọng làm nước thấm chảy dọc theo bờ tường xuống dưới, mục những kết cấu bên trong. Đó là chưa nói đến nước từ tầng trên thấm xuống tầng dưới gây khó khăn trong sinh hoạt. Hiện có khoảng 600 hộ dân đang sống trong CC này.

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, sống tại phòng 216 lô O cho biết: “Hệ thống thoát nước đã xuống cấp, chúng tôi phải tự sửa chữa. Hầu hết các phòng vệ sinh của những căn hộ trong CC cũng đã xuống cấp rất nặng”. Ông Nguyễn Chí Thành - Trưởng ban quản trị CC - nói: “Trong 5 lô của CC Nguyễn Kim thì hai lô O và K là xuống cấp nặng nhất, tường xi măng ở hai lô này thường xuyên bị vữa ra, bong tróc. Nước thấm làm cho các kết cấu bên trong hư hại rất nhiều. Bà con phải tự bảo dưỡng, sửa chữa những hư hỏng. Với tình hình này khi gặp mưa to gió lớn hay động đất thì sẽ rất nguy hiểm. Chúng tôi đã nghe lời hứa di dời gần 10 năm nay nhưng chưa thấy động thái gì từ chính quyền. Bà con đều rất nóng ruột”.

 

Xây chung cư càng chậm, Nhà nước càng tốn kém

 

Quận 10 có nhiều CC bị xuống cấp nhất với 37 CC nằm rải rác tại các phường 2, 3, 7, 9 với hơn 4.700 hộ dân. Kết quả kiểm định cho thấy chất lượng của các lô CC đều rất thấp, có nguy cơ sụp đổ cao.

 

Vào giữa tháng 4/2007, UBND Q.10 đã có báo cáo nhanh về việc thực hiện chương trình nhà ở trong giai đoạn 2007 - 2010, trong đó trọng điểm là tháo dỡ và xây dựng mới, tái định cư cho các hộ dân sống tại các CC xuống cấp. Ông Huỳnh Khắc Cần - Chủ tịch UBND quận 10 - cho biết: “Việc giải tỏa, xây dựng mới các CC là nhiệm vụ cấp thiết của quận. Chính vì vậy, chúng tôi đã có kiến nghị UBND TPHCM về nguồn vốn cho chương trình này từ năm 2007 đến năm 2010 là hơn 1.400 tỉ đồng”.

 

Có thể nói quận 10 cũng là địa phương có chủ trương di dời, xây dựng mới và tái bố trí các hộ dân ở các CC sớm nhất. Đến nay, đã có 7 lô CC được tháo dỡ, xây dựng mới hoặc đang trong quá trình xây dựng.

 

Cũng theo ông Huỳnh Khắc Cần, một trong những vấn đề gay cấn và kéo dài thời gian đầu tư xây dựng là các thủ tục về quy hoạch, xây dựng, nguồn vốn. “Theo tính toán của chúng tôi, nếu các thủ tục thực hiện chậm trễ thì tiền của Nhà nước chi tạm cư cho các hộ dân trên địa bàn quận 10 phải tốn thêm 8,4 tỉ đồng mỗi năm” - ông Huỳnh Khắc Cần nói.

 

“Giải pháp tình thế” trong mùa mưa

 

Trao đổi ngày 8/5, bà Huỳnh Thị Thảo - Phó chủ tịch UBND quận 5 - cho biết lãnh đạo quận sẽ họp ngay với 15 phường và chỉ đạo các phường phối hợp với các phòng chức năng của quận và Công ty quản lý nhà quận 5 rà soát, kiểm tra việc chống dột, chống sập tại các khu CC cũ.

 

Bà Thảo cũng cho biết, trên địa bàn quận hiện có 13 CC hư hỏng, xuống cấp cần tháo dỡ với khoảng 1.100 hộ đang cư ngụ, trong đó, trọng điểm là khu CC 727 Trần Hưng Đạo.

 

Hiện quận 5 đang liên hệ với Trung tâm thẩm định giá để định giá đền bù cho các hộ dân tại CC này. “Khi đã có chứng thư thẩm định giá của Trung tâm thẩm định giá, chúng tôi sẽ tính giá đền bù và di dời các hộ dân ở CC 727 Trần Hưng Đạo với phương án sắp xếp tái định cư vào các CC 402 Hàm Tử và 109 Nguyễn Biểu”. Số lượng CC cũ tại quận 5 hiện rất lớn, ngoài 13 CC hư hỏng nặng quận đã có kế hoạch tháo dỡ vẫn còn 162 khu CC cũ khác hoặc khu nhà tập thể được xây dựng lâu năm phải liên tục được cải tạo, sửa chữa.

 

Bà Huỳnh Thị Thảo nói: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là tuyên truyền, vận động các hộ dân di dời trong khi quỹ nhà tái định cư vẫn còn rất hạn hẹp”. Ngoài ra, nhiều CC hư hỏng có diện tích đất nhỏ, không đủ để xây dựng mới một khu CC theo tiêu chuẩn quy hoạch về tầng cao, khoảng lùi nên rất khó quy hoạch, đầu tư xây dựng mới. Đây là một khó khăn khi xây dựng mới đối với nhiều khu CC cũ được xây dựng trước năm 1975, không chỉ với riêng địa bàn quận 5 mà khá phổ biến ở nhiều địa bàn khác tại TPHCM.

 

Theo Trần Thanh Bình - Trung Bảo

Thanh Niên