TPHCM quyết tâm thực hiện dự án buýt nhanh hơn 140 triệu USD
(Dân trí) - Sau khi đánh giá tính khả thi, hiệu quả đầu tư, TPHCM xin điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tuyến buýt nhanh (BRT) còn hơn 143 triệu USD, thời gian thực hiện kéo dài thêm 3 năm.
UBND TPHCM vừa gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án "Phát triển giao thông xanh TPHCM" (tuyến xe buýt nhanh - BRT) sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB).
Tuyến xe buýt nhanh số 1 chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ được Thủ tướng phê duyệt năm 2013 với tổng mức đầu tư gần 156 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án 5 năm (từ năm 2014-2019).
Lần này, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến BRT số 1 từ 155,64 triệu USD xuống còn 143,68 triệu USD (giảm khoảng 12 triệu USD).
Trong đó, vốn vay WB giảm từ 142,25 triệu USD còn 123,62 triệu USD (giảm 18,63 triệu USD); vốn đối ứng điều chỉnh từ 13,6 triệu USD thành 20,06 triệu USD (tăng 6,46 triệu USD).
Tổng mức đầu tư dự án giảm sau khi cắt giảm hết lãi vay trong thời gian xây dựng (hơn 18,5 triệu USD).
Đồng thời, TPHCM cũng kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện dự án thêm 3 năm, từ năm 2014-2023.
UBND TPHCM kiến nghị một số nội dung nêu trên sau khi tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan bộ ngành Trung ương.
Đồng thời, TPHCM kiến nghị giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ ngành, nhà tài trợ và UBND TPHCM đẩy nhanh thủ tục điều chỉnh hiệp định tài trợ của dự án.
Dự án BRT đầu tiên của TPHCM bị chậm trễ do mất nhiều năm (từ năm 2016 đến 2018) rà soát, đánh giá lại tính khả thi và hiệu quả đầu tư.
Trong đó, phân tích dự báo lưu lượng hành khách trên tuyến BRT; đánh giá toàn diện về mức độ ảnh hưởng của làn đường dành riêng cho tuyến BRT, đối với giao thông khu vực quận 2; tham khảo kinh nghiệm thực hiện BRT ở Hà Nội (khắc phục các khuyết điểm từ dự án này)...
Tuyến BRT số 1 dài 23km chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, qua địa bàn các quận: 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Điểm đầu tuyến tại bến xe miền Tây mới (huyện Bình Chánh) và điểm cuối là Ngã 3 Cát Lái (quận 2), gồm các hạng mục như: depot ở Thủ Thiêm, 4 nhà ga, 2 trạm trung chuyển, 31 trạm dừng dọc tuyến...
Theo quy hoạch của Chính phủ đến năm 2020, TPHCM sẽ phát triển 6 tuyến BRT. Trong đó: Tuyến 2 từ đường Nguyễn Văn Linh đến Bến xe Miền Tây - cầu Phú Mỹ; Tuyến 3 theo đường Vành đai 2, từ ngã tư An Sương đến Bến xe Miền Tây mới; Tuyến 4 theo đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Kha Vạn Cân đến công viên Chiến Thắng; Tuyến 5 từ đường Thoại Ngọc Hầu - ngã tư Bốn xã - Vành đai trong- Nguyễn Văn Linh; Tuyến 6 chạy theo đường Quang Trung.