1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM quyết chặn nguồn điện, nước để "đánh bằng được" sai phạm xây dựng

(Dân trí) - Đối với các chủ đầu tư, doanh nghiệp làm ăn gian dối, đầu nậu vi phạm trật tự xây dựng, TPHCM sẽ có biện pháp mạnh là cắt điện, nước để ngăn ngừa xử lý hậu quả về sau.

Ngày 12/12, UBND TPHCM tổ chức sơ kết 3 tháng thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

TPHCM quyết chặn nguồn điện, nước để đánh bằng được sai phạm xây dựng - 1

Công trình xây dựng không phép của lãnh đạo HĐND quận Thủ Đức tại phường Hiệp Bình Chánh bị báo chí phản ánh và lãnh đạo TPHCM đã chỉ đạo xử lý

Tại hội nghị, nhiều giải pháp để hạn chế, ngăn chặn vi phạm xây dựng được bàn thảo, đặc biệt là việc cắt điện, nước đối với các dự án sai phạm.

Đại diện Tổng Công ty Điện lực TPHCM cho biết, trường hợp vi phạm sử dụng điện như câu, móc trái phép sẽ bị lập biên bản chuyển cơ quan quản lý Nhà nước để xử phạt và cắt điện. 

Trong khi đó, trường hợp đối tượng sử dụng điện cho câu nhờ, dù có quy định nhưng thực tế xử lý cũng gặp khó khăn.

"Khi phát hiện cho câu, móc điện thì ngành điện đến lập biên bản vi phạm hành chính. Nếu tái phạm thì lại lập biên bản và phối hợp chủ thể sử dụng để thỏa thuận ngừng cấp điện. Tuy nhiên, thực tế cũng gặp khó khăn trong khâu phát hiện và xử lý kéo dài", đại diện Tổng Công ty Điện lực TP nói.

Đại diện này cũng lý giải nguyên nhân chưa thể phối hợp cắt điện đối với trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Cụ thể, theo quy định tại Luật Xây dựng 2014 và Nghị định 139/2017 thì không quy định ngừng cung cấp điện khi tổ chức, cá nhân vi phạm xây dựng. 

"Quy định như thế nên cũng khó khăn cho ngành điện khi địa phương yêu cầu phối hợp cắt điện khi vi phạm xây dựng. Vừa rồi Tổng Công ty cũng có văn bản gửi cho Bộ Công Thương xin ý kiến về việc cắt điện để phối hợp xử lý khi vi phạm xây dựng, mong thành phố chia sẻ", đại diện Tổng Công ty Điện lực TP nói.

Trong khi đó, đối với trường hợp cấp điện mới, khi tổ chức, cá nhân có đầy đủ giấy tờ pháp lý thì cấp điện và không đề cập đến giấy phép xây dựng. 

"Giờ người ta có mảnh đất và muốn cấp điện để thắp sáng hay tưới tiêu thì phải cấp, không thể từ chối", vẫn lời người đại diện. 

Vì vậy, Tổng Công ty Điện lực TPHCM sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công thương và UBND TP để kiến nghị, điều chỉnh quy định để ngành điện phối hợp xử lý vi phạm trật tự xây dựng.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng thừa nhận rằng đúng là có vướng mắc quy định pháp luật. Do đó, ông cho rằng cần chú ý điều khoản trong hợp đồng mua bán điện để gỡ vướng. Do đó, TP sẽ kiến nghị Bộ Công Thương. 

Tuy nhiên, theo ông Hoan, có 2 trường hợp có thể ngừng cung cấp điện được mà thành phố sẽ làm chứ không cần chờ ý kiến của Bộ Công Thương. Việc chờ ý kiến là để áp dụng với các hợp đồng mua bán điện mang tính phổ biến. Nhưng những trường hợp xây dựng không phép, sai phép; đầu nậu đầu tư trên mảnh đất nhưng không chứng minh được giấy tờ đất rõ ràng, làm không đúng quy hoạch... phải áp dụng biện pháp xử phạt hành chính và có cả cưỡng chế thì xử lý được. 

"Cá nhân cho câu nhờ và câu nhờ điện để thực hiện hành vi sai phạm thì chúng ta có thể cắt điện. Ngoài ra, tổ chức triển khai dự án thì bao giờ cũng hợp đồng thuê điện lực cung cấp điện để thực hiện dự án đầu tư, khi phát hiện sai phạm cũng phải cắt điện", ông Hoan nói.

Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh rằng, đối với người dân sửa chữa nhà ở mà vi phạm thì thành phố không xử lý như thế. 

"Chúng ta không cào bằng. Đầu nậu là phải xử lý chứ tại sao không. Người dân cũng có chuyện khó khăn nên chấp nhận nhưng chủ đầu tư, đầu nậu làm dự án phải dứt khoát, ai tiếp tay cũng phải xử lý", ông Hoan nói.

TPHCM quyết chặn nguồn điện, nước để đánh bằng được sai phạm xây dựng - 2

Xây nhà không phép trên đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh (ảnh: Công Quang)

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, thành phố phải có quy định rõ ràng, cương quyết "đánh cho bằng được đầu nậu và tổ chức làm sai". Chính hành vi này làm ảnh hưởng xã hội, gây lây lan và cũng xem thường pháp luật. 

Ông Hoan cho rằng các giải pháp phải được cụ thể hóa chứ không bàn suông: "Phải có quy trình thực hiện, cơ chế phối hợp vận hành, xác định rõ trách nhiệm, thủ tục phải làm, thời gian xử lý, chuyển hóa thành văn bản để thực hiện. Thành phố không phải bó tay". 

Trong khi đó, đại diện Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho biết hiện nay đơn vị thành viên không ký hợp đồng cấp nước, tạm ngưng cấp nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng khi nhận thông báo của chính quyền địa phương và cơ quan thẩm quyền.

Bên cạnh đó, SAWACO cũng cũng đề xuất, góp ý cho Bộ Xây dựng về việc bổ sung quy định là đơn vị cấp nước được ngừng cung cấp nước nếu khách hàng xây dựng không phép, trái phép. Đồng thời, rà soát lại hợp đồng để tiến tới bổ sung quy định này.

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nhấn mạnh rằng, điện, nước phải cung cấp cho người dân đầy đủ. "Nhưng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà thầu làm ăn gian dối dứt khoát phải xử lý. Thành phố sẽ kiến nghị để pháp lý hóa áp dụng cho cả nước và người dân thành phố", ông Hoan nói.

Quốc Anh