1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM: Quy hoạch hạ tầng dịch vụ phải đặt trong cách mạng công nghiệp 4.0

(Dân trí) - Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn (năm 2018 là 62,4%) trong tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM và được định hướng phát triển mạnh mẽ, bền vững trong tương lai. Do đó, trong số hơn 26.000 ha đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng, TPHCM xem xét dành phần diện tích phù hợp để xây dựng phát triển hạ tầng dịch vụ.

Hạ tầng hạn chế là “điểm nghẽn” phát triển dịch vụ

Chiều 3/7, UBND TPHCM tổ chức hội thảo phát triển dịch vụ của TPHCM và định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng dịch vụ của TP giai đoạn 2020-2030.

TPHCM: Quy hoạch hạ tầng dịch vụ phải đặt trong cách mạng công nghiệp 4.0 - 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đóng góp quan trọng của ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế TPHCM 

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết dịch vụ luôn là ngành kinh tế lớn trong cơ cấu kinh tế của TP, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế TP.

Từ đó, ông Nhân đặt vấn đề với nhu cầu phát triển dịch vụ trong thời gian tới, TP cần chuẩn bị gì để khuyến khích sự phát triển này, trong đó có quy hoạch đất đai, nguồn vốn đầu tư.

Theo ông Nhân, TP cần có nhận thức toàn diện hơn để việc quy hoạch hạ tầng dịch vụ có bước chuẩn bị chủ động nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển, phải gắn sự phát triển dịch vụ với phát triển hệ thống giao thông vốn còn hạn chế và đặt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

TPHCM: Quy hoạch hạ tầng dịch vụ phải đặt trong cách mạng công nghiệp 4.0 - 2

Hội thảo ghi nhận nhiều đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế và trong nước cũng chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh phát triển dịch vụ, đầu tư cơ sở lưu trú, hạ tầng giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin…

Trong khi đó, đại diện các sở, ngành của TPHCM cũng phản ánh thực trạng cơ sở hạ tầng còn hạn chế cũng như kế hoạch phát triển ngành, cùng với nhu cầu sử dụng đất đai lớn trong tương lai.

TPHCM: Quy hoạch hạ tầng dịch vụ phải đặt trong cách mạng công nghiệp 4.0 - 3

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP, cho rằng ngành du lịch TP còn tiềm năng phát triển nhưng hạ tầng cơ sở còn hạn chế

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP, cho rằng sự phát triển hạ tầng giao thông góp phần phát triển dịch vụ. Ngành du lịch TP trong những năm qua có sự tăng trưởng đáng kể về lượng khách quốc tế cũng như nội địa. Trong đó, 80% du khách đến TP qua đường hàng không nhưng hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải.

TP có lợi thế lớn phát triển du lịch đường thủy, nhưng chưa phát triển tương xứng tiềm năng, điểm nghẽn chính là hạ tầng cầu cảng, bến bãi còn hạn chế.

TPHCM: Quy hoạch hạ tầng dịch vụ phải đặt trong cách mạng công nghiệp 4.0 - 4

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Huỳnh Trang cho biết dự kiến cần 1,85 triệu mét vuông để phát triển hạ tầng ngành công thương

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Huỳnh Trang cho biết TP có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống lớn, riêng hệ thống siêu thị chiếm 22% cả nước. Dự kiến đến 2025, TP có 268 siêu thị, 5.000 cửa hàng tiện lợi…

Hệ thống logistics (gồm vận tải, kho bãi, phân phối, dịch vụ) của TP đang dẫn đầu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng đến nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Cũng theo bà Trang, TP có 3 chợ đầu mối, nguồn hàng tập trung hàng đêm khoảng 10.000 tấn, giá trị hàng hóa hàng khoảng 400 tỷ đồng.

Ngoài ra, hàng năm TP tổ chức hàng trăm hội chợ, triển lãm nhưng hiện nay chỉ có một trung tâm triển lãm đạt yêu cầu. Việc giới thiệu sản phẩm kết nối cung cầu đang rất lớn nhưng điều kiện hạ tầng hạn chế.

Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để phát triển hạ tầng ngành công thương, dự kiến nhu cầu sử dụng đất trong thời gian tới là khoảng 1,85 triệu mét vuông. Hiện Sở cũng đang xây dựng đề án logistics và trung tâm triển lãm. Do đó, bà Trang mong muốn TP có tính toán quỹ đất để phát triển ngành công thương.

Cân đối quỹ đất hơn 26.000ha

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nhận định khái niệm về dịch vụ rất rộng, không chỉ dừng lại ở du lịch, mua bán mà còn là các loại hình tài chính, ngân hàng, các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục...

TPHCM: Quy hoạch hạ tầng dịch vụ phải đặt trong cách mạng công nghiệp 4.0 - 5

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng cần dành phần đất phù hợp trong 26.000ha đất nông nghiệp được chuyển mục đích để phát triền hạ tầng dịch vụ

Ông Võ Văn Hoan cho rằng ngành dịch vụ đa dạng, hạ tầng mỗi ngành hỗ trợ sự phát triển cho ngành khác. Sự phát triển ngành dịch vụ cần ứng dụng công nghệ thông tin để tăng tính kết nối.

Theo ông Hoan, phải xem quy hoạch đi trước một bước, sắp tới trong quá trình điều chỉnh phải gắn liền với quy hoạch phát triển từng ngành như phát triển giao thông. Nếu mỗi ngành tự phát triển thì không thể tạo nên hiệu ứng tích cực.

Đề cập đến quỹ đất, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết TP cần xây dựng kế hoạch sử dụng đất hợp lý từ nguồn hơn 26.000ha đất nông nghiệp được trung ương cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng, trong đó dành một phần cho phát triển hạ tầng dịch vụ của TP.

“Từng ngành phải nghiên cứu, suy nghĩ đưa ra dự án, công trình để đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Nếu chúng ta chậm trễ thì coi chừng không còn đất cho phát triển hạ tầng dịch vụ thêm nữa”, ông Hoan nhấn mạnh.

TPHCM: Quy hoạch hạ tầng dịch vụ phải đặt trong cách mạng công nghiệp 4.0 - 6

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng đại biểu bên lề hội nghị

Cũng theo ông Hoan, nguồn lực Nhà nước có hạn nên cần xã hội hóa mạnh mẽ, đặc biệt là huy động trong dân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

“Các doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy đầu tư. Đầu tư dịch vụ là chiến lược lâu dài của doanh nghiệp. Với doanh nghiệp bất động sản, không thuần túy đầu tư 1 công trình nhà ở là xong, cần có thêm dịch vụ phục vụ cư dân. Trong tương lai, phát triển nhiều nhà ở, cần kèm dịch vụ, cần đầu tư đúng mức”, ông Hoan nói.

Ngoài ra, theo ông Hoan, các cơ quan Nhà nước cũng cần thay đổi tư duy. Không chỉ phục vụ cái gì mình có mà phải phục vụ cái người dân cần. Từ đó, điều chỉnh cách quản lý, đầu tư… để phục vụ cho người dân TP và cả người dân các tỉnh, các nước lân cận.

TPHCM: Quy hoạch hạ tầng dịch vụ phải đặt trong cách mạng công nghiệp 4.0 - 7

Quy hoạch phát triển hạ tầng cho dịch vụ là một bài toán phức tạp

“Từng đơn vị đều có suy nghĩ như vậy thì phục vụ mạnh mẽ, chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu người dân TP, từ học hành, ăn uống, chăm sóc sức khỏe…”, ông Hoan nói.

Ngoài ra, ông Hoan cho rằng cần có cơ chế chính sách mạnh mẽ hơn nữa như ưu đãi về đất đai, thuế… để doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ.

“Hạ tầng phát triển thì dịch vụ phát triển, dịch vụ phát triển là mục tiêu lâu dài, chiến lược phát triển của TP trong tương lai”, ông Hoan nhấn mạnh.

Quốc Anh – Phạm Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm