TPHCM: Nhiều chế độ hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách
(Dân trí) - 6.532 cán bộ không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn TPHCM (45% là nữ) sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngân sách thành phố. Nếu được HĐND TPHCM thông qua, chính sách trên sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2018.
Tại kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa IX, diễn ra sáng 4/12, bà Thi Thị Tuyết Nhung – Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM đã có báo cáo thẩm tra tờ trình của UBND TPHCM về hỗ trợ trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cán bộ không chuyên trách phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung cho biết TPHCM là đô thị đặc biệt, dân số cơ học gia tăng rất nhanh. Hiện nay, dân số thành phố trên 13 triệu người, có nhiều phường, xã trên 100.000 dân, là áp lực rất lớn đối với cán bộ xã, phường, thị trấn.
Trên địa bàn thành phố có 6.532 cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn, trong đó có 2.966 cán bộ không chuyên trách nữ (chiếm tỷ lệ hơn 45%). Mặc dù là cán bộ không chuyên trách nhưng các cán bộ này phải làm việc như cán bộ chuyên trách do khối lượng công việc nhiều.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chỉ được hưởng 2/5 chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc là hưu trí và tử tuất, không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
“Do thu nhập thấp, thiếu chế độ hỗ trợ kịp thời nên đội ngũ cán bộ không chuyên trách chưa yên tâm công tác, nhất là cán bộ nữ. Để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ không chuyên trách phường, xã, thị trấn, UBND TP đề xuất trình HĐND TP hỗ trợ trợ cấp ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho những cán bộ này là phù hợp, rất cần thiết”, bà Nhung nói.
Theo Ban Văn hóa – Xã hội, mức hỗ trợ trợ cấp được tính theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015. Kinh phí thực hiện được trích từ ngân sách thành phố cân đối hàng năm.
Bên cạnh đó, Ban Văn hóa – Xã hội cũng báo cáo thẩm tra tờ trình của UBND TPHCM về điều chỉnh, bổ sung một số chế độ hỗ trợ đối với công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Lực lượng Thanh niên xung phong quản lý và Bệnh viện Nhân ái thuộc Sở Y tế.
Hiện nay thành phố có 2.135 công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại 12 đơn vị. Do tính chất công việc tại các cơ sở xã hội, cai nghiện ma túy rất nguy hiểm, độc hại và nguy cơ lây nhiễm cao, phần lớn các cơ sở này đóng trên địa bàn vùng sâu, vùng xa nên việc tuyển dụng người lao động có năng lực và trình độ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, kể cả thu hút người lao động có hộ khẩu nơi các đơn vị trú đóng.
Dự toán kinh phí thực hiện là gần 95 tỷ đồng, tăng 75 tỷ đồng/năm so với kinh phí đang thực hiện. Kinh phí thực hiện được bố trí trong dự toán chi thường xuyên đảm bảo xã hội hàng năm do ngân sách thành phố giao các đơn vị. Thời gian triển khai từ 1/1/2018.
Quốc Anh