TPHCM: Người né tránh, đùn đẩy, không dám làm sẽ bị thay thế, điều chuyển
(Dân trí) - Chỉ thị mới của TPHCM yêu cầu thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, để trì trệ, không đáp ứng yêu cầu công việc.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, vừa ký ban hành chỉ thị về tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong số các giải pháp được đưa ra, thành phố sẽ chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm phối hợp trong tham mưu, xử lý công việc. Trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong xử lý công việc cần được đề cao.
Qua việc kiểm tra nội bộ, các cơ quan sẽ khen thưởng tập thể, cá nhân làm tốt, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân làm chưa tốt. Đặc biệt, TPHCM yêu cầu rà soát, thay thế hoặc điều chuyển công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.
Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền và gây hậu quả thì phải bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo đúng quy định.
Trong việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các cấp, thành phố yêu cầu khắc phục dứt điểm việc đùn đẩy trách nhiệm lên cơ quan cấp trên, các bên không nêu rõ chính kiến hoặc nêu chung chung. Các cơ quan, đơn vị phối hợp có trách nhiệm làm theo đúng nội dung, yêu cầu của đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm nếu để chậm tiến độ nhiệm vụ vì không phối hợp, phối hợp chậm, phối hợp chưa đúng nội dung yêu cầu.
Việc né trách, đùn đẩy trách nhiệm, trả lời không đúng trọng tâm, không đầy đủ, không phối hợp trong thời hạn yêu cầu cũng cần được khắc phục dứt điểm.
Chỉ thị mới của UBND TPHCM cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện quyết liệt hàng loạt giải pháp để nâng cao hiệu quả kiểm soát, cải cách cải cách thủ tục hành chính; đổi mới thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tăng chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành.