1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM muốn lập Tổng công ty đường sắt đô thị

Thư Trần

(Dân trí) - Theo đề xuất, Tổng công ty đường sắt đô thị của TPHCM sẽ được sử dụng vốn đầu tư công để đầu tư mạng lưới đường sắt đô thị đến khi chủ động được nguồn vốn.

Sở GTVT TPHCM vừa soạn thảo, tham mưu TPHCM đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị.

Tại đề án này, Sở GTVT TPHCM cũng tham mưu UBND TP đề xuất cấp có thẩm quyền chấp thuận 28 cơ chế, chính sách đặc thù để hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2060.

Trong 11 cơ chế thuộc thẩm quyền của Chính phủ, đáng chú ý nhất là cơ chế 28. Cơ chế này cho phép TPHCM thành lập Tổng công ty đường sắt đô thị do TPHCM nắm giữ 100% vốn điều lệ có chức năng huy động vốn, quản lý đầu tư xây dựng và kinh doanh đa ngành. Tổng công ty này được dùng vốn đầu tư công đầu tư hệ thống đường sắt đô thị đến khi chủ động được nguồn vốn.

TPHCM muốn lập Tổng công ty đường sắt đô thị - 1

Hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1 hồi tháng 4 (Ảnh: Nam Anh).

Với 17 cơ chế thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đáng chú ý là cơ chế 10. Cơ chế này cho phép TPHCM căn cứ đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 làm cơ sở để HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị. UBND TP sẽ quyết định đầu tư dự án tương tự dự án nhóm A.

Với cơ chế 4, TPHCM được phát triển đô thị theo mô hình TOD (Phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) để tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo quỹ đất phát triển hạ tầng).

Cơ chế 8 cho phép TPHCM thu và sử dụng 100% nguồn thu đối với các khoản thu phát sinh từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga metro và TOD khác để tái đầu tư hạ tầng kết nối.

Cơ chế 9 cho phép TPHCM được phát hành và quyết định chính sách trái phiếu chính quyền địa phương. TP được vay từ các tổ chức tài chính trong nước và từ nguồn vay của Chính phủ vay về cho TPHCM vay lại. Tổng mức dư nợ vay không được vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng.

Từ nay đến năm 2035, ước tính TPHCM cần hơn 837.000 tỷ đồng để hoàn thiện 164km đường sắt đô thị. Số tiền trên không bao gồm chi phí đã xây metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và một phần chi phí đã giải ngân cho tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương.

Sau khi Thường trực UBND TPHCM trình Thường vụ Thành ủy và HĐND TP thông qua tại kỳ họp ngày 15/6, UBND TP sẽ tiếp tục trình Chính phủ và Quốc hội.

Hơn 837.000 tỷ đồng dự kiến được phân bổ đầu tư xây dựng đồng thời, đồng bộ và đồng loạt metro số 1 (21km nối dài); giai đoạn 1 các tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương); tuyến số 3 (Bến Thành - Tân Kiên); tuyến số 4 (Thanh Xuân - Hiệp Phước); tuyến metro số 5 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn); tuyến số 6 (Bà Quẹo - Phú Lâm). 

Kinh phí thực hiện dự kiến được bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương, ngân sách TP, TOD và trái phiếu địa phương.

Cụ thể, đến năm 2030, TPHCM dự kiến hoàn thành đầu tư 31km đường sắt đô thị (metro số 1, metro số 2) với 24 nhà ga và 2 depot. Tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 3,8 tỷ USD (tương đương hơn 91.600 tỷ đồng). Giai đoạn này, thành phố có thể vận chuyển 1,6-2 triệu khách/ngày/đêm. 

Năm 2035, TPHCM hoàn thiện 183km đường sắt đô thị (bao gồm 19,7km metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên) với 148 nhà ga, đáp ứng 7-8 triệu khách/ngày/đêm. Tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 36 tỷ USD (tương đương 871.200 tỷ đồng). 

Kết luận 49 của Bộ Chính trị (28/2/2023) về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang vận tải chính Đông - Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn. 

Mục tiêu đến năm 2030, các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến metro. Riêng TPHCM cần hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị vào năm 2035. 

TPHCM muốn lập Tổng công ty đường sắt đô thị - 2

Bản đồ mạng lưới metro ở TPHCM theo quy hoạch (Đồ họa: Nima Farid).