1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

TPHCM mưa dài ngày trước dịp nghỉ lễ 2/9

Tâm Linh

(Dân trí) - Cơ quan khí tượng thủy văn dự báo, mưa còn kéo dài trong tuần cuối tháng 8 và đầu tháng 9 ở khu vực TPHCM, chủ yếu do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam. Xác suất mưa 70-85%.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn (KTTV) Quốc gia, từ ngày 27/8 đến 6/9, khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Từ chiều tối 29/8 đến ngày 31/8, mưa dông và mưa lớn cục bộ ở Tây Nguyên và Nam Bộ còn kéo dài trong nhiều ngày tới. 

Đài KTTV Nam Bộ ghi nhận, cơn mưa rải rác ở TPHCM tối qua (27/8) hình thành do gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh dần. 

TPHCM mưa dài ngày trước dịp nghỉ lễ 2/9 - 1

Nhiều tuyến đường ngập sau mưa khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn (Ảnh minh họa: Hải Long).

Mưa kéo dài còn do áp cao cận nhiệt đới có khả năng lấn Tây trở lại từ khoảng ngày 29-30/8 tạo ra những nhiễu động mây ở ngoài biển di chuyển vào đất liền; đồng thời, do dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Bắc Bộ duy trì nối với cơn bão Saola ở phía đông bắc Philippines hạ dần trục về phía nam, qua Trung Bộ.

Do đó, tuần này TPHCM có mưa rào và dông về chiều tối và đêm. Mưa dông có khả năng kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như sấm sét, lốc, gió giật mạnh.

Cơ quan khí tượng khuyến cáo, trong mưa dông người dân cần đề phòng nguy hiểm khi tham gia giao thông và làm việc ngoài trời. Ngoài ra, mưa lớn có thể gây ngập úng cục bộ tại các khu vực trũng thấp, ven sông, các đô thị.

Trong tháng 8, tổng lượng mưa ở Nam bộ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 5-20%, nhiệt độ phổ biến 29-32 độ C.

Chất lượng không khí tháng 8: Nồng độ khí thải còn cao

Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu ghi nhận, trong tháng 8, nồng độ khí NO2 cao (trên 30μg/m3) tập trung chủ yếu tại khu vực trung tâm hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nồng độ khí NO2 trung bình hàng năm ở các đô thị trên thế giới trong khoảng 20-90μg/m3. TPHCM xếp thứ 10 trên thế giới với nồng độ trung bình khoảng 34μg/m3.

Đối với khí CO, khu vực trung tâm Hà Nội và TPHCM nhiều vị trí có nồng độ CO lớn hơn 1000μg/m3.

Bên cạnh đó, khí SO2 ở Hà Nội và TPHCM nhiều nơi có nồng độ lớn hơn 50μg/m3 vượt quy chuẩn trung bình năm theo QCVN 05:2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Khí NO2, CO đặc trưng cho nguồn phát thải từ hoạt động giao thông, có quy luật diễn biến tăng giảm trong ngày tại khu vực đô thị. Giá trị nồng độ các khí này tăng cao vào các khung giờ cao điểm giao thông (7h-9h và 17h-19h).

Các loại khí thải này gây hại đến hô hấp của con người.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm