1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xã hội:

TPHCM lên tiếng về dự án lấn sông Đồng Nai

(Dân trí) - Lo ngại việc lấn sông Đồng Nai làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến việc khai thác nước thô cung cấp cho hệ thống cấp nước TPHCM, UBND TPHCM đã có văn bản đề nghị xem xét tác động môi trường của dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị “phố trên sông”...

UBND TP vừa có văn bản gửi Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và UBND tỉnh Đồng Nai về việc lấn sông Đồng Nai để làm dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai “phố ven sông” của công ty Toàn Thịnh Phát.

TPHCM lên tiếng về dự án lấn sông Đồng Nai
Dự án lấp sông đang được tạm dừng thi công vì những phản ứng trong dư luận, chờ ý kiến của các bộ ngành. UBND TPHCM cũng đề nghị làm rõ tác động môi trường của dự án vì ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước của TP (ảnh Trung Kiên)

Theo UBND TP, theo quy hoạch cấp nước TPHCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt, sản lượng nước thô cung cấp cho hệ thống nước TPHCM từ sông Đồng Nai khoảng 2,5 triệu m3/ngày đêm.

“Do việc lấn sông Đồng Nai có thể làm thay đổi dòng chảy gây ảnh hưởng đến việc khai thác nước thô cung cấp cho hệ thống cấp nước TPHCM nói riêng và môi trường khu vực hạ lưu nói chung, UBND TPHCM đề nghị Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai xem xét tác động môi trường của dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai “Phố trên sông” của Công ty Toàn Thịnh Phát đến các khu vực vùng hạ lưu sông Đồng Nai, đặc biệt là việc khai nước thô cung cấp nước cho TPHCM”, nội dung văn bản nêu rõ.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định chấp thuận đầu tư dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (rộng hơn 84.000m2) cho Công ty cổ phần Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát triển khai khu đô thị Pegasus Residence. Dự án này có phần diện tích lấn sông lên tới hơn 77.200m2.

Dự án đang trong quá trình lấp sông thì vấp phải sự phản ứng từ dư luận và giới khoa học về tác động môi trường và những thảm họa khôn lường từ dự án. Đến chiều 27/3, lãnh đạo công ty Toàn Thịnh Phát đã có văn bản đề nghị tỉnh Đồng Nai cho tạm ngừng thi công dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai.

Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan kiểm tra.

Nội dung kiểm tra hướng đến việc thực hiện dự án, đánh giá tác động của dự án, xử lý theo thẩm quyền, quy định của pháp luật hiện hành. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ đề xuất, báo cáo Thủ tướng trong tháng 5/2015.

Trong khi đó, tại chuyến khảo sát của Đoàn công tác Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kiểm tra thực địa Dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” tại thành phố Biên Hòa vào đầu tháng 4/2015, TS Vũ Ngọc Long – Viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới phía Nam – đánh giá khu vực cuối nguồn sông Đồng Nai là TPHCM là nơi ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Theo TS Vũ Ngọc Long, nếu dự án này được triển khai, khả năng mùa khô từ tháng 1, 2, 3, một khi dòng chảy xuống hạ nguồn không đủ nước rửa mặn thì nước mặn xâm nhập bên trong. Hệ sinh thái khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ sẽ tăng độ mặn, loài ưa mặn sẽ lấn loài ưa lợ nên hệ sinh thái sẽ thay đổi.

Và mới đây, tại hội thảo “Phát triển bền vững lưu vực sông – thách thức và giải pháp” do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu lập pháp (Quốc hội), cùng mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức chiều 12/5 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng đã lên tiếng, đề nghị nên dừng dự án.

Quốc Anh