1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM lại khốn đốn với triều cường

(Dân trí) - Ngày 25/11, đỉnh điểm triều cường là 1,46m. Người dân những vùng trũng khốn đốn chống chọi với nước ngập. Đêm qua, hàng chục đoạn đê bao bị vỡ, nhiều tuyến đường và nhà dân lại bị nhấn chìm trong nước. Hàng trăm học sinh phải nghỉ học.

Tránh lũ lại gặp triều cường

 

Phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, hứng chịu nhiều thiệt hại nhất trong đợt triều cường này. Ngày 24/11, ban chỉ huy phòng chống lụt bão quận Thủ Đức đã tiến hành gia cố lại những đoạn bờ bao xung yếu. Tuy nhiên, tối cùng ngày, đoạn đê bao ở Rạch Đĩa đã bị thủy triều đánh sập gần 6m. Nước tràn vào làm toàn bộ dân ở khu phố 4 chìm trong biển nước.

 

Chiều ngày 25/11, ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch phường Hiệp Bình Phước - cùng dân quân địa phương tiến hành gia cố lại. Do nước mạnh nên chỉ còn cách đóng cừ, căng bạt để cho bờ bao không bị lở thêm ra.

 

Trong đêm qua, nước tràn vào quá nhanh, rất nhiều gia đình không kịp trở tay nên mất nhiều tài sản. Đến gần 9h tối cùng ngày, nhà dân đã ngập sâu trong nước tới 1m, nhiều người đã phải di tản tụ tập trên quốc lộ 13 để tránh ngập.

 

Không thể nấu nướng, người dân chống đói bằng cơm hộp, mì tôm sống; ngủ trên ghế, trên ván, thậm chí ngủ ngồi. Chị Nguyễn Thị Thuý (32 tuổi) làm công nhân, trú tại khu phố 4, than thở: “Nhà 4 người, cái giường chật quá, chồng tôi phải leo lên xe ba gác ngủ. Làm công nhân 600 ngàn/tháng, ngập hoài thế này, tiền đâu mà sửa nhà!”.

 

TPHCM lại khốn đốn với triều cường  - 1

Phương tiện đi lại hữu hiệu "thời triều cường".

 

Nội thành chìm trong nước, ngoại thành cũng xuất hiện nhiều điểm ngập mới. Tại cầu chữ U (quận 8), dù bến Bình Đông đang được nâng cao nhưng nước vẫn tràn lên đường. Trên đường Huỳnh Tấn Phát trước đình Tân Hoà (quận 7), nước ngập khoảng 80cm, kéo dài hơn 200m. Cả đoạn đường Lê Văn Lương dài ngập sâu nửa bánh xe máy.

 

Theo dự báo của Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão TPHCM, triều cường tiếp tục lên cao trong 3 ngày tới. Trong ngày hôm nay, đỉnh điểm triều cường lúc 18h40 sẽ lên đến 1,48m.

 

Lúc 19 giờ ngày 27/11, đỉnh triều cường có thể chạm ngấn 1,49m - đỉnh cao nhất trong lịch sử 48 năm qua đã từng đạt đến trong đợt nước dâng cách đây tròn một tháng (1,49m). Trường hợp kết hợp với mưa lớn, đỉnh triều thậm chí có thể vượt qua 1,5m. 

Vật dụng, tài sản của dân trôi dập dềnh trên mặt nước. Nhiều gia đình leo lên nóc nhà ngồi chờ nước rút và đi lại bằng ghe tự chế. Một người dân trong hẻm 606 khu phố 4 vừa cõng con, vừa bê đồ: “Trốn lũ miền Trung, vào đây lại bị nước ngập còn nặng hơn”.

 

Lúc 4 giờ sáng nay, tại phường Hiệp Bình Phước, nước triều tràn qua quốc lộ 13. Tại phường này đã xuất hiện 4 đoạn đê bao bị vỡ, tổng cộng gần 30m. Nước ngập tràn cả vào trạm y tế phường, trường học. Học sinh trường tiểu học Bình Phước và THCS Hiệp Bình phải nghỉ học.

 

TPHCM lại khốn đốn với triều cường  - 2

Nước ngập gần lút cả xe máy.

 

Ông Nguyễn Văn Minh - trưởng ban điều hành khu phố 4 - cho biết, 4ha đất trồng mai với 12.000 gốc mai bị ngập nặng. Theo ông Minh, đây là lần ngập nặng nhất ở địa phương này kể từ đầu năm 2007.

 

Sẽ gia cố toàn bộ đê bao

 

Ngay trong đêm qua, lực lượng cảnh sát giao thông, công an đã huy động áo phao và 2 xuồng để di dời người già, trẻ em và vật dụng gia đình ra khỏi vùng ngập. Ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố, cho biết đã có mặt tại phường Hiệp Bình Phước, trực tiếp chỉ đạo công tác chống ngập cũng như việc gia cố đê bao.

 

Sáu máy bơm được tăng cường để bơm nước ra ngoài, nhiều cây to bị cưa hạ để không bị đổ vào nhà dân. 20 cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn 1, trung đoàn cảnh sát cơ động đã đến giúp học sinh sơ tán và vận chuyển đồ đạc giúp dân.

 

TPHCM lại khốn đốn với triều cường  - 3

Bố mẹ, con cái, tài sản đều... vắt vẻo trên xe ba gác.

 

Theo một cán bộ địa phương, trước đây đất Hiệp Bình Phước là đất nông nghiệp, người dân tự gia cố các tuyến đê bao. Nay khu vực cầu Đúc Nhỏ quy hoạch nên người dân bỏ hoang, không ai gia cố nên những bờ bao xung yếu khi nước dâng cao là bị lỡ.

 

Ông Nguyễn Ngọc Công cho biết, để ngăn chặn tình trạng triều cường, UBND TP đã chỉ đạo xây dựng tường chắn và giao cho các quận quản lý, duy tu hàng năm. Hiện trong địa bàn thành phố có 400km rạch nhỏ len lỏi trong các khu dân cư. Thành phố đang dự kiến từ đây đến hết năm 2009 sẽ gia cố lại các tuyến đê bao để giải quyết căn cơ tình trạng ngập úng như thế này.

 

Bài và ảnh: Công Quang