1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM kiến nghị kéo dài cơ chế đưa người nghiện vào cơ sở xã hội

(Dân trí) - “Làm việc đó để cứu vớt người nghiện, giữ gìn an ninh trật tự, giảm tội phạm, để người dân yên ổn làm ăn và TPHCM có điều kiện đóng góp nhiều hơn, nhiều nhất cho ngân sách nhà nước”- thay mặt cử tri TPHCM, đại biểu Đỗ Văn Đương kiến nghị Quốc hội.

 

TPHCM kiến nghị tiếp tục được đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội (Ảnh: Quốc Anh).
TPHCM kiến nghị tiếp tục được đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội (Ảnh: Quốc Anh).

Chiều 2/11, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội và cử tri TPHCM, đại biểu Đỗ Văn Đương đã đề nghị Quốc hội đưa vào trong nghị quyết kinh tế - xã hội năm 2016 nội dung quy định, tiếp tục cho phép TPHCM thực hiện điểm 5 mục 3 Nghị quyết 77/2014 về áp dụng xử lý đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội.

“Làm việc đó để cứu vớt người nghiện, giữ gìn an ninh trật tự, giảm tội phạm, dân yên ổn làm ăn và TPHCM có điều kiện đóng góp nhiều hơn, nhiều nhất cho ngân sách nhà nước”- ông Đương nói.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết Bộ đã báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 10 vừa qua về vấn đề này và Chính phủ đã đồng ý tiếp tục đề nghị Quốc hội cho kéo dài thời gian thực hiện nghị quyết.

“Đưa họ vào trung tâm bảo trợ xã hội để thực hiện chức năng ban đầu, trên cơ sở đó hoàn thiện hồ sơ đưa họ vào trung tâm cai nghiện bắt buộc theo quy định của luật”- bà Chuyền nói.

Được biết, từ năm 2009 việc cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy. Đến năm 2014, việc áp dụng đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do tòa án quyết định, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Rắc rối bắt đầu phát sinh từ đây khi luật có hiệu lực nhưng thiếu các văn bản hướng dẫn nên đến đầu tháng 11/2014, TPHCM không đưa được người nghiện ma túy nào đi cai nghiện bắt buộc. Người nghiện tồn tại vật vờ khắp thành phố khiến vấn đề an ninh, trật tự xáo trộn, không thể đảm bảo. Để “chữa cháy”, Nghị quyết 77 ra đời.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng TPHCM, từ tháng 12/2014, sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, thành phố thực hiện tạm thời đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn vào cơ sở xã hội (theo quy định tại điểm 5 trong Nghị quyết 77). Sau gần 1 năm thực hiện, đến nay đã có khoảng 5.400 người nghiện ma túy được đưa vào cơ sở xã hội. Nhờ đó tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được đảm bảo, số vụ trộm, cướp, cướp giật... được kéo giảm rõ rệt

Thế Kha