TPHCM khởi công nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa
(Dân trí) - Trong giai đoạn 1, dự án nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa sẽ xử lý 2.000-2.600 tấn rác mỗi ngày, sản lượng điện dự kiến 365 triệu kWh/năm và giúp giảm phát thải khoảng 257.000 tấn CO2/năm.
Ngày 20/7, TPHCM đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi). Dự án có quy mô 20ha, tổng mức đầu tư hơn 4.900 tỷ đồng, do Tập đoàn Bamboo Capital làm chủ đầu tư.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết rằng trong hơn 20 năm qua, các đơn vị thuộc các khu liên hợp xử lý chất thải rắn trên địa bàn đã tiếp nhận và xử lý hơn 30 triệu tấn rác bằng nhiều phương pháp khác nhau. Với lượng chất thải rắn ngày càng gia tăng, thành phố cần giải pháp chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải để đảm bảo vệ sinh môi trường và tận dụng nguồn tài nguyên từ rác.
"Đây là dự án đốt rác phát điện đầu tiên được xây dựng trên địa bàn TPHCM và cũng là một trong những dự án đầu tiên được thực hiện theo Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho TPHCM," ông Bùi Xuân Cường nhấn mạnh.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết thành phố cần phấn đấu đạt chỉ tiêu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại và tái chế ít nhất 80% vào năm 2025, và mục tiêu này cần đạt 100% vào năm 2030.
"Việc xây dựng nhà máy đốt rác phát điện cũng nhằm đánh giá sự hưởng ứng tích cực, nỗ lực và cầu thị của các doanh nghiệp đang xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho thành phố, nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường theo hướng phát triển bền vững," ông Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ.
Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa sẽ được xây dựng trong 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (2024-2025): tổng vốn đầu tư 6.400 tỷ đồng, công suất đốt 2.000-2.600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 60MW/ngày. Sản lượng điện phát lên lưới dự kiến đạt 365 triệu kWh/năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khoảng 100.000 hộ dân, giúp giảm phát thải khoảng 257.000 tấn CO2/năm.
Giai đoạn 2: sau khi hoàn thiện, công suất xử lý sẽ đạt 6.000 tấn rác/ngày, công suất phát điện 130MW/ngày.
Giai đoạn 3: công suất đốt rác đạt 8.600 tấn/ngày, công suất phát điện lên tới 200MW/ngày.