1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM khó bảo tồn di sản kiến trúc vì áp lực... thị trường

(Dân trí) - Theo TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, kiến thức về bảo tồn của đội ngũ quản lý Nhà nước nói chung và kể cả chuyên gia hiện nay không theo kịp sự phát triển. "Kiến thức đó làm chúng ta không đứng vững được với áp lực thị trường. Bị áp lực, cũng đi lấy ý kiến nhưng vì kiến thức và quyết tâm bảo tồn không đủ nên chúng ta không giữ được các công trình", ông Cương nói.

Xếp hạng di tích 2 công trình tôn giáo ở Thủ Thiêm

Ngày 12/11, Thường trực HĐND TPHCM có buổi giám sát về công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố.

Tại đây, hàng loạt những tồn tại, bất cập trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị đã được đại biểu HĐND TP chỉ ra. 

TPHCM khó bảo tồn di sản kiến trúc vì áp lực... thị trường - 1

Dinh Thượng thơ nay là trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM (ảnh: Nguyễn Quang)

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, cho rằng những kiến thức của đội ngũ quản lý Nhà nước nói chung và kể cả chuyên gia về lĩnh vực bảo tồn không theo kịp với sự phát triển. Trong đó, vấn đề giáo dục, cung cấp kiến thức cho đội ngũ quản lý còn chậm so với yêu cầu phát triển.

"Kiến thức đó làm chúng ta không đứng vững được với áp lực thị trường, trong đó có cả tích cực và tiêu cực. Bị áp lực, cũng đi lấy ý kiến nhưng vì kiến thức và quyết tâm bảo tồn không đủ nên chúng ta không giữ được các công trình", ông Cương thẳng thắn.

TS Võ Kim Cương cũng đề cập đến di tích Ba Son và cho rằng hiện nay thông tin bảo tồn di tích này cũng chưa rõ ràng, đầy đủ. "Nhưng dứt khoát chúng ta phải giữ lại, ghi dấu di tích lại. Việc này chúng ta làm chậm", ông Cương nói.

Trả lời vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP, cho biết việc bảo tồn di tích Ba Son hiện nay nằm trong chương trình làm việc của Ban Thường vụ Thành ủy với Quân ủy Trung ương.

Dự kiến, sau khi Bộ Quốc phòng điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất sẽ bàn giao lại cho TPHCM. Trên cơ sở này, thành phố sẽ giao Sở Văn hóa và Thể thao lập đề án trùng tu, bảo tồn di tích Ba Son.

TPHCM khó bảo tồn di sản kiến trúc vì áp lực... thị trường - 2

Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm sẽ được trình xếp hạng di tích (ảnh: Phạm Nguyễn)

Liên quan đến công tác bảo tồn, ông Nhân cho biết thêm, ngành chức năng đang hoàn thiện hồ sơ để trình xếp hạng di tích đối với Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm (nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm) trong tháng 12 này. 

Trước đây, thành phố từng có kế hoạch sử dụng đất thuộc 2 công trình này để xây dựng khu chức năng, đường giao thông trong khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng sau đó thành phố quyết định giữ lại. Thành phố chỉ quy hoạch một phần đất thuộc 2 công trình này để xây dựng đường ven sông. 

Biệt thự sắp sập nhưng không được sửa chữa

Cũng theo TS Võ Kim Cương, một trong những "cái khó" của công tác bảo tồn là quan hệ sở hữu giữa người có di sản với nhu cầu của Nhà nước. Mối quan hệ này phải tiếp tục nghiên cứu và chính sách giải quyết rốt ráo để hài hòa công tác bảo tồn và phát triển kinh tế, xã hội.

Bên cạnh đó, ông Cương cho rằng việc xây dựng quy chế quản lý bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cảnh quan đô thị còn chậm. Do đó, "vũ khí" quan trọng nhất hiện nay để bảo tồn di sản là quy hoạch. Quy hoạch mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất thấp thì giữ được môi trường đô thị, cảnh quan đô thị. 

TPHCM khó bảo tồn di sản kiến trúc vì áp lực... thị trường - 3

Biệt thự cổ hơn 100 tuổi nằm ở vị trí đắc địa với 3 mặt tiền Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Diệu, Bà Huyện Thanh Quan

"Quy hoạch có ý nghĩa quyết định giá trị sử dụng đất. Nếu chỗ nào cũng muốn khai thác tối đa hệ số sử dụng đất thì phải hy sinh môi trường, cảnh quan, môi trường. Nếu ý thức tốt thì có vũ khí tốt", ông Cương nói.

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung dẫn lại câu chuyện thành phố lập đề án sắp xếp lại nơi làm việc của một số sở, ngành, trong đó có sử dụng đất của Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Thông tin - Truyền thông TP (trước đây là Dinh Thượng Thơ), nhiều người không biết nguồn gốc của 2 trụ sở này cho đến khi báo chí thông tin về công tác bảo tồn. Ngay sau đó, tại hội thảo khoa học, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đặt vấn đề quản lý Nhà nước đối với các di sản, cảnh quan đô thị. 

Đại biểu Tuyết Nhung cũng đặt vấn đề xây dựng chính sách để phát huy giá trị của các di tích thuộc sở hữu tư nhân: "Bây giờ vướng quy định thì với cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM, thành phố có xây dựng cơ chế, chính sách gì cho hoạt động của các di sản. Chúng ta phải kết nối di sản với hoạt động du lịch làm sao để người dân sống được với di sản".

Trong khi đó, đại biểu Tăng Hữu Phong cho rằng thành phố cần công bố công khai danh mục di sản, cảnh quan kiến trúc để người dân cùng giám sát, thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị. 

Theo ông, việc phát huy giá trị di sản, cảnh quan kiến trúc trong thời gian qua chưa được đề cập nhiều. Ông đề nghị thông tin rõ hoạt động của các bảo tàng, di sản trên địa bàn thành phố là đơn vị nào thu dư, thu đủ bù chi hoặc thu thấp, thậm chí không thu được tiền. "Nếu định lượng được thì đánh giá được tổng thể hơn công tác bảo tồn di sản", ông Phong nói.

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 172 di tích được xếp hạng (trong đó có 100 di tích thuộc sở hữu tư nhân) nhưng nguồn thu từ hoạt động của các di tích còn hạn chế. 

Về di tích thuộc sở hữu Nhà nước, hiện nay chỉ có địa đạo Củ Chi, Dinh Thống Nhất là có nguồn thu còn lại rất ít di sản có nguồn thu. Di tích tư nhân sở hữu, quản lý cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Để đảm bảo hoạt động, hiện nay thành phố vẫn hỗ trợ kinh phí hàng tháng để cho các di tích thuộc tư nhân.

TPHCM khó bảo tồn di sản kiến trúc vì áp lực... thị trường - 4
Biệt thự cổ trên đường Nơ Trang Long bị phá dỡ (ảnh: Hoàng Giang)

Bên cạnh hạn chế trong khai thác giá trị di sản, việc chưa hoàn thành kiểm kê, đánh giá xếp loại biệt thự cũ trên địa bàn thành phố cũng ảnh hưởng đến đời sống, quyền lợi của chủ sở hữu.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết, nhiều chủ biệt thự bức xúc, đòi đi kiện để giải quyết vì xin sửa chữa khó. "Có biệt thự thành nhà phố rồi. Còn có nhà sắp sập xin sửa chữa mà cơ quan chỉ đi tới đi lui. Thậm chí, không sửa chữa được nên người dân phải đi thuê nhà ở", bà Lệ nói. 

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, việc kiểm kê, xếp loại biệt thự dựa trên hồ sơ pháp lý. Theo đó, nguồn gốc biệt thự có đến 1.400 công trình nhưng thực tế kiểm tra cho thấy không nhiều như vậy. Nhiều công trình bị chia tách, thành nhà phố.

"Kiểm đếm chưa hết nhưng đã có hơn 560 biệt thự không còn như thực trạng trước đó mà là nhà phố. Quá trình kiểm kê, xếp loại cũng khó khăn, có những hộ không cho vào kiểm tra vì đang thuê kinh doanh, nơi thì bảng quảng cáo cũng không chụp hình được", ông Nhã nói.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ sớm hoàn thành kiểm kê, đánh giá để trình UBND TP phê duyệt để phục vụ công tác bảo tồn và tháo gỡ khó khăn cho người dân có nhu cầu sửa chữa, xây dựng. 

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm