TPHCM: Khan hiếm dự án nhà ở do cơ quan quản lý đùn đẩy trách nhiệm
(Dân trí) - UBND TPHCM nhìn nhận, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chậm giải quyết của một số cơ quan quản lý Nhà nước đã dẫn đến khan hiếm dự án nhà ở đủ điều kiện pháp lý bổ sung cho thị trường.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, vừa ký văn bản gửi Bộ Xây dựng nhằm báo cáo số liệu về nhà ở và thị trường bất động sản trong thời gian qua. Năm 2022, TPHCM đã có giải pháp để giải quyết vấn đề tăng nóng, sốt cục bộ bất động sản; ngăn chặn phân lô, bán nền tại khu vực chưa được phép đầu tư; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, thổi giá gây nhiễu loạn thông tin thị trường.
Tuy nhiên, nguồn cung bất động sản trên địa bàn đã giảm rõ rệt những năm qua do quy định pháp luật trong đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch chưa có sự thống nhất. Ngoài ra, nhiều dự án đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và rà soát lại thủ tục pháp lý, quy hoạch, nghĩa vụ tài chính...
UBND TPHCM nhìn nhận, địa bàn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chậm giải quyết của một số cơ quan quản lý Nhà nước, chưa đảm bảo các quy trình phối hợp liên thông, đồng bộ. Điều này dẫn đến khan hiếm dự án nhà ở đủ điều kiện pháp lý để bổ sung cho thị trường.
Việc kiểm soát chặt kênh tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây cũng ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp bất động sản. Nhiều dự án xây dựng dang dở phải dừng lại, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội.
Để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi lành mạnh, UBND TPHCM đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương các giải pháp tháo gỡ về vốn, quy định pháp luật. Trong đó, các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất cần được rà soát, sửa đổi để đảm bảo tính công khai, minh bạch, cạnh tranh và phù hợp thực tế.
TPHCM cũng đề xuất tăng cường kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán, ngăn chặn đầu cơ, thao túng, thổi giá. Việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, có kết quả kinh doanh thua lỗ, không có tài sản đảm bảo cần được tập trung kiểm tra, giám sát.
Các tổ chức tín dụng cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, cho vay đối với lĩnh vực bất động sản. Vốn vay cần ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở giá rẻ.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, 2022, địa phương đặt chỉ tiêu tăng 50 triệu m2 sàn trong 5 năm. Năm 2022, địa phương cần tăng 6,6 triệu m2 sàn. Qua số liệu tổng kết, thành phố đã hoàn thành 8 triệu m2 nhà ở trong năm vừa qua, vượt 21,2% kế hoạch, diện tích bình quân đạt 21,4 m2/người.