1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

TPHCM dự kiến chi 120 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ không chuyên trách dôi dư

(Dân trí) - Hiện TPHCM có 6.787 cán bộ không chuyên trách ở các xã - phường - thị trấn. Thực hiện Nghị quyết 34 của Chính phủ, thành phố chỉ được bố trí 4.368 người, dôi dư 2.299 người.

TPHCM dự kiến chi 120 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ không chuyên trách dôi dư - 1

Thực hiện Nghị định 34, TPHCM dôi dư 2.299 cán bộ không chuyên trách tại các phường - xã - thị trấn (ảnh: Quốc Anh)

Chiều ngày 11/7, HĐND TPHCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 đã tiến hành phiên họp cuối của kỳ họp thứ 20.

Tại phiên họp, các đại biểu HĐND TP đã thảo luận và thống nhất thông qua tờ trình về dự thảo quy định số lượng chức danh và một số chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường xã, thị trấn trên địa bàn TPHCM.

Theo nội dung tờ trình, Nghị định số 34 năm 2019 của Chính phủ quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách được bố trí theo quyết định phân loại đơn vị hành chính phường, xã, thị trấn. Cụ thể, loại 1 tối đa 14 người, loại 2 tối đa 12 người và loại 3 tối đa 10 người.

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 10/2019, TPHCM có 6.787 cán bộ không chuyên trách ở các xã – phường - thị trấn. Nếu theo quy định số lượng trên thì thành phố chỉ được bố trí 4.368 người, dôi dư 2.299 người phải nghỉ việc.

Theo Nghị định số 34 của Chính phủ thì không quy định việc thực hiện giải quyết chế độ chính sách đối với trường hợp dôi dư do sắp xếp lại. Mặt khác, theo quy định của Chính phủ về chế độ tinh giản biên chế cũng không có quy định đối với người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn.

Do đó, TPHCM lo lắng khi thực hiện sắp xếp bố trí lại bộ máy phường – xã - thị trấn theo Nghị định 34 sẽ có áp lực rất lớn đối với thành phố. Bên cạnh đó, việc giải quyết sắp xếp bộ máy nhưng không xây dựng chế độ chính sách hỗ trợ sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người hoạt động không chuyên trách và có thể tác gây mất ổn định trong hệ thống chính trị. 

TPHCM dự kiến chi 120 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ không chuyên trách dôi dư - 2
Các đại biểu còn nhiều băn khoăn nhưng vẫn thông qua tờ trình dự thảo nghị quyết này

Để đảm bảo quyền lợi, ổn định tinh thần và tạo điều kiện cho cán bộ không chuyên trách tại phường - xã - thị trấn dôi dư an tâm tìm công việc mới, UBND TP đề nghị được vận dụng chế độ tinh giản biên chế để hỗ trợ thêm chế độ trợ cấp một lần cho các trường hợp này. Kinh phí sẽ được lấy từ  nguồn ngân sách thành phố. 

Trường hợp người hoạt động không chuyên trách tại phường - xã - thị trấn phải nghỉ việc do dôi dư sau khi sắp xếp, ngoài chế độ nghỉ việc theo quy định, UBND TP đề nghị được hỗ trợ thêm mỗi năm công tác (đủ 12 tháng) được trợ cấp bằng 1,5 tháng tiền lương theo trình độ chuyên môn tại thời điểm thôi việc.

Do đó, Sở Nội vụ dự kiến mức kinh phí để giải quyết chi trả chế độ cho 2.299 người hoạt động không chuyên trách dô dư sắp xếp bộ máy là hơn 120 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên cơ sở số lượng cán bộ không chuyên trách quy định tại Nghị định 34, UBND TP đã lấy ý kiến và thống nhất 13 chức danh người hoạt động không chuyên trách ở phường xã, thị trấn. Cụ thể là: Văn phòng Đảng ủy, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (đối với phường – xã - thị trấn còn tổ chức Hội Nông dân), Phó Bí thư Đoàn Thanh niên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự, phụ trách kinh tế Lao động - Thương binh và Xã hội, phụ trách Dân số - Gia đình - Bình đẳng giới và Trẻ em, Thủ quỹ - văn thư và lưu trữ. 

Việc bố trí chức danh sẽ do UBND quận, huyện căn cứ tình hình thực tế của địa phương xem xét quyết định bố trí cho phù hợp quy tắc không được vượt quá số lượng quy định theo phân loại đơn vị hành chính phường – xã - thị trấn và khuyến khích các phường - xã - thị trấn bố trí kiêm nhiệm chức danh.

Tại phiên thảo luận tại hội trường vào sáng 10/7, nhiều đại biểu có ý kiến về quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở phường - xã - thị trấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung dẫn chứng như xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh có tới gần 170.000 người dân, cán bộ không chuyên trách là 56 người, nếu áp dụng Nghị định 34 có nghĩa là chỉ còn 14 cán bộ thì số dôi dư ra là 42 cán bộ.

"Với số lượng cán bộ không chuyên trách giảm như thế thì công việc sẽ khó giải quyết", bà Dung nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý cho rằng cơ sở hiện nay rất khó khăn, nếu cắt giảm đột ngột cán bộ không chuyên trách từ 30-40% thì sẽ ảnh hưởng đến công việc tại các xã, phường, thị trấn.

Đại biểu Huỳnh Đặng Hà Tuyên cho rằng, riêng phường Bình Hưng Hòa A có đến hơn 126.000 dân. Với số dân đó thì phường Bình Hưng Hòa A cần có 65 cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách để đảm đương.

Từ đó, bà Tuyên đề nghị UBND TP xem xét, nên có chỉ đạo, giao cho UBND quận, huyện xây dựng lộ trình thực hiện. Vì nếu giảm đột ngột sẽ gây khó cho địa phương.

Ông Trương Văn Lắm - Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM - thừa nhận cũng rất lo lắng về việc cắt giảm cán bộ theo Nghị định 34.

"Vì vậy, Sở Nội vụ cũng lấy ý kiến các sở, ngành và xin ý kiến Bộ Nội vụ. Thành phố cũng kiến nghị nhiều lần nhưng Trung ương giải thích lại là yếu tố dân số là tiêu chí xác định phường, xã", ông Lắm nói.

Ông Lắm cho biết, UBND TPHCM cũng kiến nghị Trung ương hết năm 2020 mới triển khai theo Nghị định 34 nhưng các bộ, ngành không có ý kiến gì. Do đó, ông đề nghị các địa phương đến cuối năm phải sắp xếp cán bộ không chuyên trách đúng theo Nghị quyết của HĐND TP và Nghị định 34.

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn