TPHCM đề xuất chi 651 tỷ xây kiên cố đoạn bờ kè Thanh Đa
(Dân trí) - UBND TPHCM đã trình HĐND thành phố việc thực hiện dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch tại 2 vị trí. Trong đó, một vị trí có 22 hộ dân và và vị trí còn lại là Trạm Cảnh sát đường thủy.
Tại kỳ họp lần thứ 17, HĐND TPHCM khóa X, diễn ra sáng 15/7, ông Dương Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND thành phố, đã trình bày các tờ trình của UBND TPHCM tới các đại biểu. Trong đó, UBND thành phố đã xin chủ trương đầu tư dự án xây dựng kiên cố tuyến kè Thanh Đa đoạn 1.1 thuộc phường 25, quận Bình Thạnh, có tổng mức đầu tư hơn 651 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2024-2027.
Công trình kè Thanh Đa đoạn 1.1 hiện hữu được xây từ năm 2007, hoàn thành vào năm 2008 với chiều dài 478m. Sau quãng thời gian dài đưa vào sử dụng, kết cấu và vật liệu đã lão hóa, giảm khả năng liên kết và dễ bị ảnh hưởng khi có tác động tiêu cực từ bên ngoài như sóng, dòng chảy, triều cường...
Đoạn kè hiện tại đã bị sụt lún, nghiêng về phía sông, đặc biệt tại khu vực cách cầu Kinh khoảng 50m về phía hạ lưu. Hơn 200m bờ kè đã bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng, kè bị hư hỏng nặng, nhiều nhà dân sát bờ sông bị lún, nứt, nghiêng về phía sông.
Hiện nay, việc sạt lở tiếp tục diễn ra và tiềm ẩn nguy hiểm đến sự an toàn về người và tài sản. Trước đó, UBND quận Bình Thạnh đã di dời khẩn cấp 13 hộ dân khỏi khu vực này.
Dự án có chiều dài toàn tuyến 478m, đỉnh kè cao 3m và có trụ, khung lan can bảo vệ. Thân kè có hệ thống bê tông cốt thép, phía trong đắp cát, vỉa hè rộng khoảng 4m, cao độ 2,6m; chân kè được gia cố bằng đá chặn chống xói lở.
Tuyến kè sau khi xây dựng có hệ thống thoát nước kèm nắp đậy, cống thoát nước từ nhà dân ra phía sông. Đường giao thông tiếp giáp sau kè có chiều dài dự kiến 495m, mặt đường rộng 8m, vỉa hè rộng 4m cùng hệ thống thoát nước, cấp nước, cây xanh, chiếu sáng, báo hiệu đường bộ. Đường giao thông được đấu nối với đường Tầm Vu tại khu vực dưới cầu Kinh.
Tại kỳ họp, UBND thành phố cũng gửi tới tờ trình quyết định chủ trương đầu tư dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn. Dự án có tổng vốn thực hiện là 142 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Theo đề xuất của phía chính quyền, dự án được thực hiện tại 2 khu vực bờ sông thuộc xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, và phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức. Trung tâm Quản lý đường thủy TPHCM sẽ là chủ đầu tư và thực hiện dự án trong giai đoạn 2024-2025.
Vị trí số 1 của dự án có chiều dài 400m, thuộc bờ trái rạch Giồng - sông Kinh Lộ (huyện Nhà Bè). Qua khảo sát, khu vực sạt lở có khoảng 22 hộ dân sinh sống, đường bờ mái dốc lớn, bị xói mòn, người dân đã gia cố tạm bằng cừ dừa. Tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của vị trí này là khoảng 26 tỷ đồng.
Hiện tại, phần cừ dừa đã gãy, nghiêng ra phía bờ sông và có nguy cơ trượt cao, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. Bên cạnh đó, nơi này có lòng sông sâu, cao trình đáy từ 8m đến 12m, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của mưa lớn, triều cường kết hợp với tác động của sóng tàu.
Theo UBND TPHCM, việc đầu tư dự án hướng tới mục tiêu phòng, chống sạt lở của khu vực nhằm bảo vệ an toàn, tính mạng, tài sản, ổn định tinh thần, đời sống nhân dân. Dự án cũng hướng tới hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông đường thủy, kết hợp với chỉnh trang đô thị tại khu vực này.
Vị trí số 2 của dự án có chiều dài 100m, thuộc bờ phải sông Đồng Nai (TP Thủ Đức). Nơi này là vị trí trụ sở làm việc của các cán bộ, chiến sĩ công an Trạm Cảnh sát đường thủy Cát Lái - Công an TPHCM, không phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng.
Do tác động của sóng tàu, dòng chảy, bờ sông tại đây đã xói lở, hở hàm ếch, xuất hiện nhiều vết nứt và gia cố tạm bằng cừ dừa. Hiện tại, cừ dừa đã gãy, nghiêng ra phía sông, nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ của các chiến sĩ.
Việc đầu tư dự án là cần thiết, cấp bách để bảo vệ tính mạng, tài sản, ổn định tinh thần của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ. Dự án cũng góp phần hoàn thiện hạ tầng, phát triển giao thông thủy và chỉnh trang đô thị.
Theo UBND TPHCM, việc bố trí số vốn 142 tỷ cho dự án trong giai đoạn 2021-2025, sử dụng nguồn vốn đầu tư công là phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của thành phố.