1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM: Đề nghị đổi giờ tàu để giảm kẹt xe

(Dân trí) - Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, giao thông tại TP vào giờ cao điểm mật độ phương tiện lưu thông rất lớn nên mỗi khi có tàu đường sắt lưu thông qua các vị trí giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, tình trạng ùn tắc giao thông lại xảy ra.

Khoảng thời gian từ 7h - 8h sáng là thời gian mà lưu lượng phương tiện qua đường Hoàng Văn Thụ rất đông. Nhưng 7h30 là thời gian mà tàu hỏa đi ngang qua tuyến đường này khiến dòng xe phải dừng ngay ngã ba Hoàng Văn Thụ - Hồ Văn Huê. Chỉ trong vòng 2 phút thanh barie hạ xuống, hàng ngàn phương tiện đã bịt kín ngã ba khiến dòng xe trở nên ùn tắc.

Nghiêm trọng hơn là ở nút giao quốc lộ 13 - Kha Vạn Cân ngay dưới chân cầu Bình Triệu. Đây là điểm đen ùn tắc giao thông đã kéo dài nhiều năm nay trên địa bàn TP mà chưa tháo gỡ được.

Một phần nguyên nhân là lưu lượng phương tiện qua giao lộ này quá đông, giao cắt phức tạp giữa dòng xe từ trung tâm thành phố rẽ phải vào Kha Vạn Cân và dòng xe đi thẳng trên quốc lộ 13. Một phần nguyên nhân khác là đường sắt cắt ngang quốc lộ 13 nằm đúng ngay giao lộ này. Khi barie hạ xuống, dòng xe trên quốc lộ 13 sẽ dừng ngay tại ngã tư, choáng hết mặt đường, không còn chỗ trống cho dòng xe từ Kha Vạn Cân thoát ra, gây nên tình trạng ùn tắc thường xuyên khi có tàu hỏa đi qua.

Theo Sở GTVT, tuyến đường sắt Thống Nhất trên địa bàn TPHCM đi qua 5 quận (3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức) và giao cắt với đường bộ tại 26 vị trí. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự giao thông của TP, đặc biệt là tại các vị trí: Nguyễn Văn Trỗi, Lê Văn Sỹ, Hoàng Văn Thụ, quốc lộ 13, Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân…

Một phần nguyên nhân gây nên kẹt xe dưới chân cầu Bình Triệu là vì đường sắt cắt ngang quốc lộ 13
Một phần nguyên nhân gây nên kẹt xe dưới chân cầu Bình Triệu là vì đường sắt cắt ngang quốc lộ 13

Theo ga Sài Gòn, vào giờ cao điểm sáng (6h – 8h30) có 2 chuyến tàu đi ra từ ga Sài Gòn và 2 chuyến về Sài Gòn. Vào giờ cao điểm chiều (16h30 – 19h) có 3 chuyến xuất phát từ ga Sài Gòn và 1 chuyến về ga Sài Gòn. Đó là chưa kể 1 số chuyến tàu hàng hàng qua lại giữa ga Sóng Thần (Bình Dương) và ga Sài Gòn (TPHCM), các chuyến tàu đầu kéo chạy không kiểm tra đường…

Đại diện Sở GTVT nhận định tình trạng trên khiến giao thông TP phức tạp. Dù thời gian qua Sở đã áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật linh động để hạn chế tình trạng kẹt xe trên địa bàn TP nhưng tại các điểm giao cắt giữa đường bộ - đường sắt vẫn chưa giải quyết được.

Do đó, nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông, tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP vào giờ cao điểm, Sở GTVT đã đề nghị đường sắt Sài Gòn nghiên cứu và điều chỉnh thời gian tàu đường sắt đi và đến TPHCM. Cụ thể, Sở đề nghị hạn chế tàu ra vào trong các giờ cao điểm buổi sáng (6h – 8h) và giờ cao điểm chiều (16h – 20h).

Trước mắt, Sở đề nghị thực hiện ngay đối với các đầu tàu lưu thông không kéo theo toa tàu. Đồng thời, Sở cũng có văn bản đề nghị lãnh đạo đường sắt Sài Gòn bố trí buổi làm việc với Sở để cùng phối hợp thực hiện, giải quyết các khó khăn, vướng mắt khi triển khai việc điều chỉnh thời gian tàu đường sắt lưu thông ra vào TPHCM.

Tùng Nguyên