TPHCM: Đề nghị cho xe buýt chạy vào làn xe máy giờ cao điểm

(Dân trí) - Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, nhiệm vụ khó khăn, phức tạp là giúp xe buýt hoạt động đúng giờ để thu hút hành khách, góp phần giảm chi phí trợ giá. Và một trong những giải pháp đưa ra là cho xe buýt chạy vào làn đường xe máy giờ cao điểm hay kẹt xe...

Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM về khảo sát trợ giá xe buýt năm 2016 cuối tuần trước, Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Hoàng Minh cho biết, để giảm kinh phí trợ giá xe buýt thì phải thu hút người dân tham gia loại hình vận tải công cộng này. Để làm được điều đó, bên cạnh việc đầu nâng cấp phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ thì cần phải có giải pháp nhằm đảm bảo cho xe buýt hoạt động đúng giờ.

Tình trạng ùn xe vào giờ cao điểm khiến xe buýt ở TPHCM về bến trễ
Tình trạng ùn xe vào giờ cao điểm khiến xe buýt ở TPHCM về bến trễ

Ông Minh đánh giá, với tình hình thực tế của TP thì việc đảm bảo xe buýt chạy đúng giờ để phục vụ người dân tốt hơn là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp. Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng nên tạo làn đường ưu tiên cho xe buýt, nhưng hiện nay, làm việc này không phải dễ. Vì vậy, giải pháp trước mắt là tạo điều kiện cho xe buýt được phép đi vào các làn đường.

“Hiện nay xe buýt chỉ được đi vào làn đường phân cho xe ô tô còn làn đường dành cho xe 2 bánh chưa cho xe buýt chạy. Nhưng khi giờ cao điểm kẹt xe quá thì tài xế đi đại vào làn đường xe 2 bánh. Chúng tôi thấy nếu cho chạy vào làn đường xe 2 bánh thì có thể giúp xe buýt đảm bảo hành trình. Tạo điều kiện cho xe buýt đi đúng giờ là để kéo hành khách lên xe”, ông Minh nói và nhấn mạnh, xe buýt muốn vào làn xe 2 bánh phải đảm bảo tiêu chuẩn khí thải chứ không thể để xe xì khói đen lưu thông. Cơ quan chức năng sẽ rà soát các điều kiện rất kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, ông Minh cũng cho biết, để tạo điều kiện xe buýt có đường riêng, TPHCM triển khai dự án xe buýt nhanh (BRT) đường Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ. Khi nào TP có đường dành riêng cho xe buýt thì lượng hành khách mới tăng lên.

Liên quan đến vấn đề trên, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng vấn đề là luật giao thông đường bộ hiện nay không quy định rõ xe buýt chạy chung với xe nào hay chạy riêng. Đây cũng là sơ hở của Luật giao thông đường bộ mà chỉ có cấp thẩm quyền mới có thể xem xét, sửa đổi cho phù hợp.

“Khoảng hơn 10 năm trước, lãnh đạo TPHCM từng ra văn bản tạm thời về việc cho phép xe buýt chạy chung với xe 2 bánh nhưng lại không quy định rõ về tình trạng kẹt xe, hướng dẫn cụ thể việc chạy chung ở đoạn nào, tốc độ ra sao, biển báo cảnh giới hay ứng xử giữa xe 2 bánh với xe buýt...”, ông Sanh nói.

Làn dành cho xe máy trên đại lộ Phạm Văn Đồng quá nhỏ nên thường xuyên kẹt xe, sau đó Sở GTVT TP cho phép xe máy chạy vào một phần làn ô tô vào giờ cao điểm
Làn dành cho xe máy trên đại lộ Phạm Văn Đồng quá nhỏ nên thường xuyên kẹt xe, sau đó Sở GTVT TP cho phép xe máy chạy vào một phần làn ô tô vào giờ cao điểm

Theo chuyên gia Phạm Sanh, trước mắt phải có luật lệ rõ ràng cho xe buýt khi tham gia giao thông với các loại phương tiện khác trên các tuyến đường. Đây thực sự là vấn đề lớn của cả nước chứ không riêng gì TPHCM.

“Nếu thành phố muốn thí điểm cho chạy vào làn đường xe 2 bánh thì phải lựa chọn đoạn được nào rộng, giờ nào, đánh giá tình hình kẹt xe ở các tuyến đường, nghiên cứu tính toán mô hình kỹ lưỡng... chứ không đơn giản. Còn hiện nay đường thiếu, phương tiện kẹt cứng nên xe buýt chạy vào đường cho xe 2 bánh thì vẫn không hoạt động được. Chẳng hạn, rộng như đường Võ Văn Kiệt thì cho xe buýt chạy riêng được. Còn như cho xe buýt vào làn xe máy ở đường Phạm Văn Đồng thì kẹt cứng”, ông Sanh nói.

Chiều 31/10, khi được hỏi về quan điểm và các bước triển khai của Sở GTVT TP về kiến nghị cho xe buýt chạy vào làn đường xe 2 bánh giờ cao điểm, ông Lê Hoàng Minh cho biết: “Việc này mới nằm trên giấy, còn nhiều điểm chưa thống nhất. Do đó, Sở GTVT TP chưa thể thông tin được”.

Xe buýt đã chạy vào đường xe 2 bánh từ lâu !?

Anh Phạm Hà Khánh (ngụ quận Bình Thạnh) cho rằng, trong bối cảnh giao thông công cộng tại TPHCM vẫn đang ngóng chờ metro, chờ xe buýt nhanh BRT thì giải pháp trước mắt (cho xe buýt chạy vào làn đường xe 2 bánh) này rất hay nhưng cần phải xem xét, thí điểm trước ở một số tuyến đường lớn như Điện Biên Phủ, Võ Văn Kiệt...

Thực tế thì bấy lâu nay xe buýt vẫn thường hay chạy vào làn xe máy để đón, trả khách hay chỉ là để vượt lên trước khi kẹt xe. Tuy nhiên, khi điều khiển vào làn này, tài xế thường lo sợ sẽ bị cảnh sát giao thông phạt bởi phạm luật, vì thế sẽ rất dễ có nguy cơ gây tai nạn giao thông do vội vàng. Theo anh Khánh, cơ quan chức năng nếu muốn triển khai giải pháp này thì cần phải sử dụng xe buýt mới, kèm theo đó là nâng cao chất lượng phục vụ, thái độ ứng xử của nhân viên trên các tuyến thí điểm này.

Trong khi đó, anh Võ Quốc Bảo (ngụ quận Tân Phú) cho rằng, đề xuất trên là không khả thi. Thực tế, đường xá ở TPHCM hầu hết là nhỏ hẹp nên việc ưu tiên dành làn đường riêng cho xe buýt là rất khó thực hiện. Còn việc đề xuất thì cũng chỉ là hình thức mà thôi vì thực tế xe buýt vẫn chạy ở cả làn đường ô tô và xe 2 bánh. “Họ xem làn đường xe 2 bánh là để dự phòng, lúc nào kẹt xe hay cần vượt là vô tư đánh tay lái lấn đường mà không cần quan tâm cả dòng xe máy phía sau”, anh Bảo bức xúc.

Quốc Anh