1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM: Cuộc sống đảo lộn vì mưa và triều cường

(Dân trí) - Buôn bán ế ẩm, giá thực phẩm tăng, quần áo phơi lâu khô… là những xáo trộn trong cuộc sống hàng ngày của người dân TPHCM trong các đợt mưa và triều cường.

Những ngày qua, do ảnh hưởng của bão số 10 nên Nam bộ mưa nhiều. Mưa lớn kết hợp với triều cường đã làm nhiều nơi tại TPHCM ngập nặng. Giao thông ùn tắc nếp sinh hoạt và thường ngày của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
 
Đường Hòa Bình nước ngập sâu đến hơn nửa mét khiến nhiều xe chết máy phải dẫn bộ

Đường Hòa Bình nước ngập sâu đến hơn nửa mét khiến nhiều xe chết máy phải dẫn bộ
 
Nước dâng đến nửa nhà trên đường Lương Định Của
Nước dâng đến nửa nhà trên đường Lương Định Của

Ngày 5-6/10, do có nhiều cơn mưa lớn, kết hợp với đợt triều cường dâng cao khiến nhiều tuyến đường như An Dương Vương (quận 8), đường Lương Định Của (quận 2), Tân Hóa (quận 11), Nguyễn Văn Quá (quận 12), Đồng Đen, Âu Cơ (Tân Bình), Tân Hóa (quận 6)... chìm trong biển nước.

Mỗi khi đường ngập, không những giao thông bị ùn tắc, xe cộ chết máy, người dân lại “đau đầu” vì sinh hoạt bị đảo lộn. Dòng nước đen ngòm, hôi thối tràn vào nên nhiều cửa hàng phải đóng cửa vì triều cường. Thay vào đó, mọi người phải ra sức tát nước ra, chạy máy bơm xả nước, hay dùng bao cát đắp đê ngăn nước tràn vào nhà.

Tại đường Bến Phú Định (quận 8), đường Hòa Bình (quận 11) ngày thường có nhiều xe đẩy, hàng quán buôn bán rất nhộn nhịp nhưng nay mưa gió, nước ngập nên bà con đành nghỉ bán, chỉ còn một số cửa hàng cố cầm cự với lượng khách thưa thớt. Bà con sống quanh khu vực này cho biết, thà ở nhà “ăn mì tôm” chứ mỗi khi đường ngập, không chỉ bán buôn ế ẩm mà hàng hóa còn hư hỏng.
 
Xe thịt quay ế ẩm trên đường Hòa Bình
Xe thịt quay ế ẩm trên đường Hòa Bình
 
Bít gạch, dời hàng hóa lên cao để đối phó với triều cường
Bít gạch, dời hàng hóa lên cao để đối phó với triều cường

Huy động cả bảng hiệu để ngăn nước

Huy động cả bảng hiệu để ngăn nước
 
Mưa kéo dài cả tuần còn ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt ở những khu vực không bị triều cường. Chị Anh Thư, nhà ở quận 7 cho biết: “Đã 2 tuần rồi tôi không đưa con đi bơi được vì trời mưa. Lớp học võ của các cháu cũng thông báo nghỉ vì sân tập không có mái che. Thiếu vận động nên các cháu tỏ ra khá uể oải”.
 
Còn bà Hồng Hà (ở đường Văn Chung quận Tân Bình) xây nhà hơn 1 năm nay chưa hoàn tất nên càng sốt ruột vì thời tiết xấu: “Trời mưa nên thợ thuyền phải nghỉ, nguyên vật liệu bảo quản cũng khó khăn. Cứ mưa hoài thế này, chẳng biết bao giờ mới xây xong. Gia đình tôi phải ở tạm trong căn nhà trọ lâu lắm rồi”.
 
Nhọc nhằn mưu sinh ngày mưa gió

Nhọc nhằn mưu sinh ngày mưa gió

Do trời mưa nên giá rau củ tăng. Chị Hồng Ngọc, chủ quán cơm trên đường Vũ Huy Tấn (quận Bình Thạnh) cho biết: “Mấy tuần nay tôi thấy giá rau quả tăng từ 10 - 20%. Tăng giá nhiều nhất là các loại rau dễ bị dập như rau cải, bồ ngót, cà chua. Còn đậu que, dưa leo, thơm… ít dập hơn nên giá chỉ tăng nhẹ”. Bình thường ngày nào chị Ngọc cũng phải đi chợ đầu mối để lấy rau về chế biến, nhưng những ngày mưa gió, chị đành ra chợ lẻ ở gần nhà, chấp nhận bán lỗ một chút để giữ gìn sức khỏe.

Công nhân và sinh viên tại các khu nhà trọ còn gặp vấn đề quần áo phơi lâu khô vì nhiều nhà trọ không gian phơi quần áo rất chật hẹp. Chị Thanh Hằng, công nhân nhà máy Nobland tại khu công nghiệp Tân Thới Hiệp (quận 12) lo lắng: “Mình xem sách báo thấy đồ lót nếu mặc khi còn ẩm sẽ dễ bị bệnh phụ khoa, cho nên mấy chị em lấy bàn ủi ủi cho khô hẳn mới dám mặc. Còn quần áo dài cũng phải hong bằng quạt. Tháng này chắc chắn tiền điện sẽ tăng”.

Hồng Nhung - Đình Thảo