1. Dòng sự kiện:
  2. Quốc hội họp bất thường lần thứ 9
  3. Metro số 1 TPHCM

TPHCM chi 60.000 tỷ đồng đầu tư 4 tuyến đường cửa ngõ

Thư Trần

(Dân trí) - Các dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1, 13, 22 và trục đường Bắc - Nam có tổng vốn đầu tư gần 60.000 tỷ đồng vừa được HĐND TPHCM thông qua quyết định chủ trương đầu tư.

Chiều 20/2, tại kỳ họp thứ 21 HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã thông qua các tờ trình về quyết định chủ trương đầu tư 4 tuyến đường cửa ngõ của TPHCM gồm nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1, 13, 22 và trục đường Bắc - Nam, với tổng mức đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng. 

Trong đó, dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình) sẽ được mở rộng 60m với 10 làn xe, trong đó có 3,2km được xây dựng đường trên cao với 4 làn xe. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 21.724 tỷ đồng (vốn ngân sách hơn 14.700 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động khoảng 7.017 tỷ đồng).

TPHCM chi 60.000 tỷ đồng đầu tư 4 tuyến đường cửa ngõ - 1

Quốc lộ 13 là một trong những tuyến huyết mạch và là cửa ngõ quan trọng của TPHCM nối Bình Dương (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Tuyến quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) sẽ được đầu tư mở rộng lên 10-12 làn xe. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 16.270 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 9.611 tỷ đồng, phần còn lại 6.659 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động.

Với dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3 TPHCM sẽ được đầu tư mở rộng lên 10 làn xe với 10.451 tỷ đồng. Ở dự án này, vốn ngân sách khoảng 6.234 tỷ đồng, phần còn lại do nhà đầu tư huy động.

Cuối cùng là dự án nâng cấp đường trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành). Dự án có tổng mức đầu tư 9.894 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 4.679 tỷ đồng, còn lại là vốn nhà đầu tư, được thực hiện từ năm 2025 đến năm 2028.

TPHCM chi 60.000 tỷ đồng đầu tư 4 tuyến đường cửa ngõ - 2

Đường trục Bắc - Nam có điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Linh, quận 7 (Ảnh: Hải Long).

Đường trục Bắc - Nam có chiều dài toàn tuyến 8,6km, mặt cắt ngang khi hoàn chỉnh rộng 60m, quy mô 10 làn xe, có thêm các công trình hạ tầng, kỹ thuật phù hợp. Vận tốc thiết kế của tuyến đường là 80km/h cho tuyến chính và 60km/h cho đường song hành 2 bên. Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là khoảng 66,5ha. Trong đó, diện tích phải thực hiện giải phóng mặt bằng hơn 2,2ha, đất ở chiếm 0,91ha, đất nông nghiệp khoảng 1,36ha.

Theo Sở GTVT TPHCM, dự án thực hiện theo hình thức BOT trên đường hiện hữu, nhưng phương án thu phí áp dụng cho phần đường chính, không thu phí đường song hành. Điều này giúp tạo thêm sự lựa chọn, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Các dự án sẽ được áp dụng công nghệ giao thông thông minh, thu phí tự động không dừng (thu phí kín theo chiều dài sử dụng) nên sẽ đảm bảo công bằng, thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ.