1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Cán bộ chạnh lòng vì không có thời gian cho gia đình

Q.Huy Phương Nhi

(Dân trí) - Đại biểu HĐND TPHCM chia sẻ, bà được nghe việc nhiều cán bộ, công chức chạnh lòng khi chưa tròn trách nhiệm với gia đình, con cái vì phải tập trung cho công việc.

Sáng 9/12, kỳ họp thứ 8, HĐND TPHCM khóa X, bước vào ngày làm việc cuối cùng. Trong buổi sáng, các đại biểu sẽ thực hiện giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố.

Trước các đại biểu có mặt, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, báo cáo về điểm sáng của mô hình chính quyền đô thị đã mang lại cho địa phương. Việc là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện tổ chức chính quyền đô thị không thí điểm là cơ hội lớn để TPHCM phát triển nhanh hơn, xứng tầm với tiềm năng hiện có.

TPHCM: Cán bộ chạnh lòng vì không có thời gian cho gia đình - 1

Phiên thảo luận tại hội trường của kỳ họp HĐND TPHCM cuối năm 2022 (Ảnh: Q.Huy).

"Tuy nhiên, thành phố cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc liên quan tới cơ chế. Một số chính sách về tài chính, ngân sách, chưa có điều kiện thực hiện, tiềm năng lợi thế của địa phương chưa được khai thác tối đa để phát triển nhanh, bền vững", ông Võ Văn Hoan trình bày.

Chưa tái tạo sức lao động thì làm sao sáng tạo?

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng, các quận, huyện TP Thủ Đức đã rất nỗ lực để thực hiện 131 suốt thời gian qua. Tuy nhiên, sự phân bổ con người để thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của một thành phố năng động, sáng tạo còn có phần chưa phù hợp.

"Khi giám sát, tôi thấy cán bộ, công chức tại các sở, ngành, quận, huyện phải gánh rất nhiều việc, một ngày phải giải quyết 3 tấc hồ sơ. Đây chỉ là những hồ sơ cần giải quyết theo quy trình, chưa tính đến các phần việc khác", vị đại biểu dẫn chứng.

TPHCM: Cán bộ chạnh lòng vì không có thời gian cho gia đình - 2

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Đại biểu HĐND TPHCM (Ảnh: Trần Đạt).

Bà Nguyễn Thị Kim Dung phân tích, mỗi cán bộ, công chức phường - xã hay sở, ngành để phục vụ công việc cần đi thực tế để có thông tin. Nhưng thời gian để họ làm công việc đó không còn, do phải tập trung cho giải quyết hồ sơ.

Đại biểu HĐND TPHCM thông tin thêm, ngay cả các cán bộ không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn cũng đang phải đảm nhiệm công việc ngang với những người chuyên trách. Những người này phải làm đến 19-20h tối, cả thứ bảy, chủ nhật.

"Chúng ta thấy, các cán bộ, công chức bị cuốn vào công việc thì không còn sự sáng tạo nữa. Không phải họ không cố gắng, mà chưa tái tạo được sức lao động thì làm sao có thể sáng tạo", đại biểu đặt câu hỏi.

Vị đại biểu này tâm sự, khi đi giám sát một số đơn vị, bà cảm thấy buồn khi nghe được việc nhiều cán bộ, công chức chạnh lòng khi phải tập trung cho công việc mà đôi lúc chưa tròn trách nhiệm với gia đình, với con cái. Có cán bộ buồn phiền vì con em mình không học giỏi bằng bè bạn, vì sự chăm chút của cha mẹ không nhiều.

Cán bộ, công chức, viên chức quá tải 

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chia sẻ, vấn đề được đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung đặt ra cho địa phương yêu cầu về giải pháp để phát huy hơn nữa năng lực, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Hiện tại, UBND thành phố đã giao Sở Nội vụ nghiên cứu đề án gồm nhiều nội dung liên quan đến vấn đề cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, TPHCM sẽ tìm hướng rà soát lại, gắn liền với chính sách thu hút, động viên nhân tài từ bên trong và bên ngoài hệ thống chính trị.

TPHCM: Cán bộ chạnh lòng vì không có thời gian cho gia đình - 3

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, trả lời phản ánh các đại biểu tại phiên thảo luận (Ảnh: Phương Nhi).

Theo thống kê, TPHCM có khoảng 13.000 công chức, viên chức cần nhà ở. Nội dung này cũng được địa phương nghiên cứu cơ chế để bán, cho thuê nhà ở đối với lực lượng này để đảm bảo cho họ an tâm làm việc

"Thành phố cũng đặt ra vấn đề chính sách đào tạo cán bộ. Cần đảm bảo việc cập nhật kiến thức hàng năm sát với công việc, chức năng, nhiệm vụ từng người. Họ có thể cách ly công việc 2 tuần để cập nhật kiến thức mới, nghiên cứu mô hình mới phục vụ cho công việc hiện tại", ông Phan Văn Mãi thông tin.

Một điểm mới ông Phan Văn Mãi chia sẻ là việc HĐND TPHCM vừa bàn và đồng thuận cao việc tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Nếu được thông qua, năm 2023 sẽ làm năm thành phố có mức tăng thu nhập cao nhất cho cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Vấn đề bất cập của số lượng biên chế hành chính tiếp tục được UBND TPHCM nêu rõ trong bản báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 131. Với đặc thù là địa phương đông dân nhất cả nước, áp lực công việc của cán bộ, công chức của TPHCM ngày càng tăng.

"Giai đoạn 2017-2021, bình quân một công chức tại một số sở, ngành thực hiện từ 580 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trở lên mỗi năm. Số lượng này tăng dần 15% theo từng năm, chưa kể đến nhiều nhiệm vụ khác", bản báo cáo của UBND TPHCM dẫn số liệu.

Chính quyền thành phố nhận định, với khối lượng công việc như trên, nếu số lượng cán bộ, công chức tiếp tục giảm, áp lực đối với mỗi công chức sẽ ngày càng tăng. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng "chảy máu chất xám" tại các sở, ngành và các địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc, mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chất lượng phục vụ người dân.

Theo thống kê sơ bộ, TPHCM có 117/312 phường, xã, thị trấn có dân số từ 30.000 dân trở lên, gấp 2 lần quy mô dân số tiêu chuẩn của phường là 15.000 người. Đặc biệt, một số phường, xã có quy mô trên 100.000 người như phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức), phường Hiệp Thành (quận 12), phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân).

Do đó, chính quyền thành phố đánh giá, số lượng cán bộ, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn theo quy định hiện hành là chưa phù hợp với công việc, quy mô dân số, tính chất phức tạp và đặc điểm từng địa phương.