1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: 5 ngày còn lại của đợt giãn cách, phải khống chế, đầy lùi dịch Covid

Quang Huy

(Dân trí) - Ông Nguyễn Thành Phong đánh giá tình hình dịch bệnh đáng lo ngại khi có ca nghi mắc Covid-19 ở khu chợ đầu mối, KCN... Trong 5 ngày còn lại của đợt giãn cách thứ 2, TPHCM phải đẩy lùi dịch bệnh này.

Chiều 25/6, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng tham dự buổi họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng dự buổi họp tại điểm cầu UBND huyện Hóc Môn.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn có nhiều điểm đáng lo ngại khi xuất hiện những ca nghi mắc Covid-19 liên quan khu chợ truyền thống, chợ đầu mối và khu công nghiệp. Trong 5 ngày còn lại của đợt giãn cách, thành phố cần áp dụng những biện pháp quyết liệt hơn nhằm đẩy lùi, khống chế dịch bệnh.

"Tôi đã giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp rà lại việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. Vì sao số ca mắc Covid-19 vẫn tăng lên khi chúng ta đã áp dụng các Chỉ thị thời gian qua?", ông Nguyễn Thành Phong đặt vấn đề.

Cần những biện pháp mạnh tay hơn

Tại buổi họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá dịch Covid-19 tại TPHCM đã có những kết quả nhất định từ khi áp dụng Chỉ thị 10. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp, đòi hỏi những biện pháp mạnh mẽ hơn.

"Chỉ thị 10 có thế nói là tương tự Chỉ thị 16. Chúng ta không để đứt gãy sản xuất, tuy nhiên, cần cân nhắc một số biện pháp cao hơn đối với các khu chợ", Phó Thủ tướng nhận định.

TPHCM: 5 ngày còn lại của đợt giãn cách, phải khống chế, đầy lùi dịch Covid - 1

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM.

Ông Trương Hòa Bình cho rằng, với mức độ tiếp xúc, giao lưu lớn tại các khu chợ, nếu chỉ xuất hiện một ca mắc Covid-19, tốc độ lây lan của dịch bệnh sẽ rất cao, nên Phó Thủ tướng đã tán thành phương án TPHCM áp dụng biện pháp cấm các khu chợ.

"Chúng ta buộc phải áp dụng những biện pháp cao hơn nữa để cắt đứt lây nhiễm. Nếu làm không khéo, có thể dẫn tới mất kiểm soát, lây lan tới cả các địa phương khác", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhìn nhận.

Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho rằng: Các chợ đầu mối, chợ truyền thống là những khu vực tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Ông Sơn khuyến cáo TPHCM nên chịu hi sinh trong thời gian ngắn từ 5 - 7 ngày, để tránh việc xảy ra lây lan dịch bệnh tại các khu vực này.

Rà soát để quyết định tiếp tục giãn cách hay không

Kết luận tại buổi họp, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: Đợt giãn cách xã hội thứ 2 còn 5 ngày nữa sẽ kết thúc. Trước ngày 30/6, ông yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện rà soát, đánh giá việc thực hiện các giải pháp của Chỉ thị 10 thời gian qua và đề ra những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong 5 ngày tới.

"Ngày 30/5, chúng ta sẽ đánh giá lại có tiếp tục giãn cách hay không. Trong 5 ngày nữa, các đơn vị phải ngồi lại, đánh giá mức độ hiệu quả của biện pháp giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh có được kéo giảm hay không. Sau đó mới đưa ra được quyết định cho thời gian sắp tới", ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu. 

TPHCM: 5 ngày còn lại của đợt giãn cách, phải khống chế, đầy lùi dịch Covid - 2

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị rà soát để đưa ra quyết định tiếp tục giãn cách xã hội hay không.

Tại buổi họp, Chủ tịch UBND TPHCM chưa đưa ra quyết định cấm hoạt động các khu chợ. Tuy nhiên, ông yêu cầu Sở Công Thương cần thảo luận với các quận, huyện, yêu cầu các hộ kinh doanh tại chợ đầu mối cam kết thực hiện những bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Bộ tiêu chí sẽ là cơ sở để dừng hoạt động những đơn vị không đảm bảo an toàn.

"Chúng ta có thể tính đến mô hình Quận 8 từng áp dụng là ngừng luân phiên từng hộ kinh doanh để giãn cách phù hợp đối với các chợ truyền thống", ông Nguyễn Thành Phong định hướng.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng yêu cầu chính quyền các cấp giải tán những khu vực có dấu hiệu tập trung đông người như công viên, cổng bệnh viện, bến xe. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn, từ ngày 19/6, TPHCM đã áp dụng Chỉ thị mới nhằm siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. 

Nội dung chính của Chỉ thị 10 tiếp tục yêu cầu dừng các loại hình kinh doanh không thiết yếu, dừng chợ tự phát. Người dân không tụ tập trên 3 người và phải đảm bảo khoảng cách 1,5 m.

TPHCM sẽ thực hiện việc cách ly, phong tỏa đối với các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát dịch Covid-19.

UBND TPHCM cũng siết chặt lại quy định về trách nhiệm với các đơn vị, địa phương. Người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra vi phạm, gây phát sinh dịch bệnh tại khu vực mình quản lý.

Sau gần một tuần áp dụng Chỉ thị mới, số ca mắc Covid-19 tại TPHCM được công bố mỗi ngày chưa có dấu hiệu giảm. Cụ thể, trong các ngày từ 20/6 đến 24/6, số bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố vẫn hơn 100 người/ngày. Đỉnh điểm là ngày 21/6, thành phố ghi nhận 166 bệnh nhân mắc Covid-19, nhiều nhất trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.

Tổng cộng từ ngày 20/6 đến 24/6, toàn địa bàn ghi nhận 591 ca mắc Covid-19. Trong khoảng thời gian này, số ca F0 cùng các chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn gốc vẫn xuất hiện hàng ngày.

Trưa 25/6, Bộ Y tế tiếp tục công bố 50 ca mắc Covid-19 tại TPHCM. Trong đó, 30 ca là những người tiếp xúc F1, 9 người liên quan chợ Sơn Kỳ - Quận Tân Phú, 7 ca liên quan điểm thu phế liệu Đề Thám (Quận 1). Và 4 trường hợp còn lại liên quan Công ty cổ phần thực phẩm Trung Sơn - Khu công nghiệp Tân Tạo.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, toàn TPHCM đã ghi nhận 2.343 bệnh nhân đã được công bố.