1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tổng Bí thư thăm Mỹ: “Khi khác biệt được gỡ bỏ, mọi hợp tác đều có thể”

(Dân trí) - “Chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là một bước đột phá có thể giúp xóa bỏ những vấn đề chính trị còn tồn tại giữa hai nước để hướng sang quan hệ đối tác chiến lược thực sự. Khi khác biệt được gỡ bỏ, mọi lĩnh vực hợp tác đều có thể…”.

Trước chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong khuôn khổ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Cù Chí Lợi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - về ý nghĩa chuyến thăm cũng như triển vọng quan hệ Việt - Mỹ trong bối cảnh diễn biến phức tạp của khu vực và thế giới.

Ông Cù Chí Lợi, Viện trưởng
Viện Nghiên cứu châu Mỹ, trả lời phỏng vấn với phóng viên

Ông Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ, trả lời phỏng vấn phóng viên Dân trí.

Xóa bỏ những khác biệt về chính trị

Vượt qua một chặng đường đầy khó khăn khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, từ cựu thù trở thành đối tác toàn diện; quan hệ Việt Nam - Mỹ được cho là đang phát triển vừa nhanh, vừa mạnh. Theo ông, mối quan hệ này đã thực sự mang tầm chiến lược?

Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện từ năm 2013, trong đó có 9 trụ cột hợp tác với 3 điểm nhấn căn bản trong thời gian gần đây: đàm phán TPP (Đàm phán Đối tác xuyên Thái Bình Dương- PV); hợp tác về an ninh quốc phòng và đặc biệt là việc Mỹ khẳng định tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và hệ thống chính trị của Việt Nam.

Có thể nói, những lĩnh vực hợp tác này đã có tính chất chiến lược rồi nhưng thực sự để trở thành quan hệ đối tác chiến lược phải cần thêm thời gian để chín muồi. Đến nay Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam; nếu đã là đối tác chiến lược thì lệnh cấm này phải được dỡ bỏ hoàn toàn.

Tuy nhiên, theo tôi, quan trọng nhất là hai bên đã có niềm tin vào nhau, còn việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương chỉ là thời gian song song với nỗ lực của hai bên để giải quyết một số vấn đề. Sau chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ sắp tới, hy vọng trở ngại sẽ được loại bỏ và hai nước hướng sang quan hệ đối tác chiến lược thực sự.

Vậy chuyến thăm này thực sự là một bước đột phá trong quan hệ hai nước?

Theo tôi, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự là một bước đột phá lớn trong quan hệ hai nước. Trước đây, Mỹ và Việt Nam đã có những chuyến thăm cấp cao, nhưng chỉ về nhà nước và hành pháp.

Đến nay, quan hệ hai bên vẫn còn trở ngại về mặt chính trị, vì vậy, hy vọng chuyến thăm của Tổng Bí thư - người đứng đầu về chính trị của Việt Nam - sẽ giúp xóa bỏ những khác biệt đó. Khi trở ngại về chính trị được giải quyết thì mọi lĩnh vực hợp tác đều có thể, quan trọng là hai nước chọn lĩnh vực nào để ưu tiên phát triển.

Về vấn đề an ninh, quốc phòng, chuyến thăm của Tổng bí thư sẽ tạo ra một nền tảng mới để thúc đẩy hợp tác nhằm đảm bảo hòa bình ổn định trong khu vực.

TPP rất khả thi trong năm nay

Liệu sau chuyến thăm, quá trình đàm phán TPP giữa Việt Nam và Mỹ sẽ được hoàn tất và Mỹ sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong năm nay, thưa ông?

Trong bối cảnh quan hệ hai nước đã hướng tới tính chất chiến lược và được đặt trên niềm tin tốt hơn, tôi cho rằng, việc kết thúc đàm phán TPP và dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương là hoàn toàn có thể trong năm nay, đặc biệt là với nỗ lực của hai bên.

Gần đây, Quốc hội Mỹ đã chính thức trao quyền đàm phán nhanh (TPA) cho Tổng thống Mỹ Obama đã giúp tạo dựng niềm tin rất lớn và tạo động lực cho các đối tác trong quá trình đàm phán. Đàm phán TPP giữa Việt Nam và Mỹ chỉ còn vướng mắc một số vấn đề, nhưng hai bên đều đã có phương hướng giải quyết.

Về vũ khí sát thương, Mỹ đưa ra một số điều kiện về chính trị đối với phía Việt Nam, tuy nhiên, chuyến thăm của Tổng Bí thư đã cho thấy sự tin cậy về mặt chính trị của cả hai bên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp nguyên Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton chiều ngày 2/7 (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp nguyên Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton chiều ngày 2/7 (Ảnh: TTXVN)

Nhìn lại quá trình sau 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước, điều gì ông thấy hài lòng nhất ở quan hệ Việt - Mỹ và điều gì ông cho là hai nước đã đặt ra, mong đợi mà vẫn chưa thực hiện được?

Theo tôi, điểm nổi bật nhất là hai bên đã từng bước gác bỏ được những khác biệt về mặt chính trị, tôn trọng, thừa nhận hệ thống chính trị của nhau. Điều này là nền tảng giúp tạo dựng niềm tin Việt - Mỹ, là điều kiện cho hợp tác kinh tế cũng như an ninh quốc phòng.

Hợp tác an ninh quốc phòng Việt - Mỹ đã đạt được những bước tiến rất mạnh mẽ: từ cựu thù sang quan hệ đối tác.

Về hợp tác kinh tế, cho đến nay Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Theo số liệu của Cục Thống kê Mỹ, vào năm 2000, khi hai nước ký Hiệp định thương mại song phương, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ là 821 triệu USD, vào năm 2014, con số này là 30,6 tỷ USD, tăng hơn 37 lần.

Rõ ràng rằng, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng với tốc độ cực mạnh. Rất ít quốc gia nào trên thế giới có được sự tăng trưởng thương mại mạnh mẽ với Mỹ như vậy. Việt Nam đã vượt qua các quốc gia ASEAN để trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ.

Tính đến đầu 2015, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam đạt hơn 11 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Tuy vậy, ở mức độ nào đó, quan hệ hai bên còn có những thận trọng do ảnh hưởng của hội chứng chiến tranh vẫn còn đè nặng trong tư duy của nhiều người dân hai nước, dẫn đến cả những vấn đề về mặt chính trị. Ở Mỹ, vẫn có nhiều nhóm, tổ chức, đặt biệt là những nhóm của người Việt tại Mỹ, vẫn phản đối mạnh những chính sách của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Cần cơ chế thoáng để không lỡ cơ hội

Như ông vừa đề cập quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ đã có sự phát triển rất mạnh mẽ. Vậy những con số trên đã thực sự tương xứng với tiềm năng hai nước?

Tiềm năng hợp tác kinh tế hai bên còn rất lớn. Thực tế, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ lớn, với tốc độ tăng trưởng mạnh, tuy nhiên, giá trị không nhiều vì chúng ta chủ yếu xuất khẩu gia công.

Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam tăng nhưng con số 11 tỷ vẫn còn ở mức khiêm tốn. Theo tôi, Việt Nam cần có cơ chế cởi mở, thông thoáng hơn để thúc đẩy hơn nữa thương mại, đầu tư với phía Mỹ.

Gần đây, tôi có đọc một bài báo nói về việc một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam được chào một đơn hàng 2 tỷ USD gồm quần áo, cờ, giày dép, quân trang cho quân đội Mỹ… Hai bên thỏa thuận xong, nhưng khi gửi mẫu về Việt Nam thì hàng mẫu bị ách lại ở hải quan vì đó là hàng cấm nhập theo quy định của Bộ Quốc phòng. Sau hơn một tháng với rất nhiều thủ tục phức tạp, doanh nghiệp cũng nhận được hàng mẫu, nhưng khi ấy đã muộn.

Như vậy là do cơ chế chưa thông thoáng nên doanh nghiệp đã bỏ lỡ một hợp đồng khủng trị giá tới 2 tỷ USD.

Tôi cho rằng, phía Mỹ cũng cần hỗ trợ Việt Nam thay đổi năng lực về mặt thể chế để Việt Nam có thể đạt được những bước cải cách nhanh hơn và từ đó Mỹ có thể  công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường với cơ chế cởi mở, khi đó Mỹ có thể đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam cũng như để Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu hai 2 tỷ USD sang Mỹ như vừa qua.

(Còn nữa)

Nam Hằng (thực hiện)