Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh - Nhà Lãnh đạo kiên định và sáng tạo
(Dân trí) - Triển lãm Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh với chủ đề "Nhà Lãnh đạo kiên định và sáng tạo" đang diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh Niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM).
Triển lãm mừng 100 năm ngày sinh Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh với chủ đề "Nhà Lãnh đạo kiên định và sáng tạo".
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 – 1/7/2015), Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã long trọng tổ chức Lễ khai mạc triển lãm ảnh với chủ đề "Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo".
Triển lãm về Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh trưng bày 78 ảnh và 1 bản trích khái quát về thân thế, sự nghiệp cách mạng và những đóng góp to lớn, quan trọng của ông với cách mạng miền Nam trên cương vị Bí thư Đặc Khu ủy, Bí thư Khu ủy, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và Bí thư Thành ủy TP.HCM và có đóng góp với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Đảng và dân tộc Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại chống Pháp, chống Mỹ.
Trong thời kỳ là Tổng Bí thư, ông cũng nổi tiếng với bút danh N.V.L. (sau này ông cho biết đó là "Nói Và Làm") với một loạt những bài báo trong chuyên mục Những việc cần làm ngay trên báo Nhân Dân bàn về những việc cần phải chấn chỉnh trong xã hội. Ông được xem là người mở đường và có công lớn trong công cuộc đổi mới nền kinh tế Việt Nam.
Tại triển lãm lần này, những hình ảnh đã chọn lọc thể hiện đóng góp lớn lao của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - nhà lãnh đạo xuất sắc, một tấm gương cộng sản mẫu mực, suốt đời tận tuỵ, tâm huyết, hết mình với công cuộc đổi mới đất nước và TPHCM.
Triển lãm sẽ diễn ra từ nay đến 5/7 tại Nhà văn hóa Thanh Niên và đường Nguyễn Huệ (Q.1, TPHCM).
Một số hình ảnh tại triển lãm Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh với chủ đề "Nhà Lãnh đạo kiên định và sáng tạo"
Triển lãm trưng bày 78 ảnh về Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh và sẽ diễn ra đến hết ngày 5/7
Tiểu sử của Đồng chí Nguyễn Văn Linh (1915-1998)
Hưng Yên - mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và đấu tranh chống ngoại xâm tự hào là quê hương của đồng chí Nguyễn Văn Linh (tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1 tháng 7 năm 1915), người con yêu nước trở thành nhà lãnh đạo cách mạng kiên định, sáng tạo đã hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ảnh: Đình Ngự, làng Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa.
"Lúc đó tôi mới độ 9-10 tuổi, nhưng do chịu ảnh hưởng của phòng trào để tang cụ Phan Chu Trinh và bãi khóa phản đối việc thực dân Pháp bắt và đưa cụ Phan Bội Châu ra tòa xử vì tội yêu nước, nên số đông học sinh chúng tôi quyết không chịu chăm chỉ học hành để lớn lên làm thầy thông, thầy ký, làm những tên nô lệ, tay sai của thực dân, phong kiến. Chúng tôi bàn với nhau để tìm cho ra một tương lai cao sáng, một cuộc sống cho xứng đáng với thanh niên Việt Nam, con Lạc cháu Hồng". (Nguyễn Văn Linh - Hành trình cùng lịch sử, Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 1999). Ảnh: Đám tang cụ Phan Chu Trinh ở Sài Gòn, tháng 3 năm 1926.
Sống ở thành phố cảng Hải Phòng từ năm 1925, chứng kiến cuộc sống đắng cay, cơ cực của bà con lao động, sớm giác ngộ cách mạng, năm 1929, anh thanh niên Nguyễn Văn Linh tham gia phong trào Học sinh đoàn do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo (tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương). Ảnh: Ngôi nhà của bà Đặng Thị Sáu, xóm Nam, xã Dư Hàng Kênh, huyện An Hải - nơi đồng chí Nguyễn Văn Linh đã ở để hoạt động cách mạng trong thời kỳ ở Hải Phòng.
Ngày 1 tháng 5 năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Linh bị địch bắt khi đang rải truyền đơn chống thực dân Pháp và bị kết án tù chung thân, đày ra Côn Đảo khi mới 15 tuổi. Trong tù, anh tiếp thu có hệ thống triết học Mác, những vấn đề chủ nghĩa Lênin, lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô... do các bận đàn anh Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng... truyền lại. Ảnh: Nhà tù Côn Đảo.
Tháng 4 năm 1947, tại Hội nghị Thành ủy mở rộng, đồng chí Nguyễn Văn Linh được cử làm Bí thư lãnh đạo phong trào cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Linh tham dự một Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, năm 1947 (người đầu tiên, bàn thứ nhất, bên phải).
Cuối tháng 7 năm 1948, đồng chí Nguyễn Văn Linh được cử làm Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ, sau đó được điều về tăng cường cho Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Ảnh: Đoàn Thanh tra Quân đội chụp ảnh với Đảng ủy Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn trong chuyến làm việc tại Nam Bộ (người thứ hai từ phải sang là đồng chí Nguyễn Văn Linh).
Ngày 23 tháng 1 năm 1961, để đối phó với chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ, Trung ương đã quyết định lập lại Trung ương Cục miền Nam (mật danh là R), đồng chí Nguyễn Văn Linh được chỉ định làm Bí thư. Ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục chủ trì Hội nghị Trung ương Cục Miền Nam lần thứ nhất, ngày 10 tháng 10 năm 1961.
Tháng 7 năm 1967, Trung ương Đảng cử đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Linh tại lớp bồi dưỡng cán bộ hoạt động công khai ở Sài Gòn, được tổ chức tại vùng giải phóng, năm 1967.
Nhằm củng cố bộ máy chỉ đạo trực tiếp cách mạng miền Nam, ngày 19 tháng 5 năm 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thành lập Bộ Chỉ huy Miền và Quân ủy Miền. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được cử làm Chính ủy Ban Chỉ huy Miền và Bí thư Quân ủy Miền. Ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng các đồng chí trong Khu ủy miền Trung Nam Bộ tại căn cứ "Tứ Hồng" (Hồng Ngự), năm 1967
Thực hiện chủ tương của Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định, đứng đầu là Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh, trong năm 1973, các tầng lớp nhân dân Sài Gòn - Gia Định đẩy mạnh biểu tình đấu tranh chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đòi thi hành Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, thả tù chính trị...
Đoàn các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh - Phó Bí thư Trung ương Cục, làm Trưởng đoàn (thứ 4 từ trái sang) đang nghe báo cáo về đoạn đường mà Đoàn sẽ đi qua trên đường vượt Trường Sơn ra Hà Nội, tháng 3 năm 1973
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đón tiếp Đoàn các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh - Phó Bí thư Trung ương Cục dẫn đầu tại sân bay Gia Lâm - Hà Nội, tháng 4 năm 1973.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh làm việc tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, ngày mùng 5 Tết Ất Mão (1975)
Niềm vui toàn tháng - Các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục và quân dân miền Nam đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng vào dự Lễ mừng chiến thắng tại thành phố Sài Gòn. Đồng chí Nguyễn Văn Linh (người đứng thứ nhất bên phải) - Phó Bí thư Trung ương Cục tham dự lễ đón tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 13 tháng 5 năm 1975.
Từ tháng 4 năm 1977 đồng chí Nguyễn Văn Linh thôi giữ chức Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh để giữ các chức vụ: Trưởng Ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa Trung ương, Trưởng Ban Dân vận - Mặt trận Trung ương. Tháng 5 năm 1978, tại Đại hội lần thứ VI Tổng Công đoàn Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam cho đến năm 1980 và là người khởi xướng sự nghiệp đổi mới công đoàn. Ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Linh đọc tham luận tại Đại hội lần thứ VI Tổng Công đoàn Việt Nam, ngày 08 tháng 5 năm 1978.
Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới (1986-1991), đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo sự nghiệp đổi mới của đất nước giành được những thắng lợi quan trọng, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng về kinh tế - xã hội, phá thế bị bao vây, cô lập, nâng cao vị thế trên trường quốc tế, tạo tiền đề cơ bản để đất nước phát triển nhanh trong những giai đoạn tiếp theo. Ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Nhà máy sữa Dielac tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 11 năm 1990.
Tháng 12 năm 1981, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Bộ Chính trị phân công trở lại làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế, được sự đồng tình của Thành ủy, đồng chí đã chỉ đạo nhân rộng một số mô hình, đổi mới sản xuất và kinh doanh, mở rộng quan hệ kinh tế, hợp tác với nước ngoài. Ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nói chuyện với các Giám đốc xí nghiệp dự Hội thảo Câu lạc bộ Giám đốc lần thứ nhất, nhằm tổng kết kinh nghiệm, rút ra bài học về quản lý, tổ chức sản xuất, ngày 15 tháng 9 năm 1984.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư kiêm Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Quân đoàn 1.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh là hình ảnh sinh động về người cán bộ dân vận xuất sắc của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời mình, đồng chí luôn gắn bó, sâu sát, lắng nghe ý kiến và hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại hợp tác xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội, năm 1987.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ đồng bào dân tộc Hợp tác xã Cò Sài, trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Sơn La từ ngày 27 đến 30 tháng 9 năm 1987.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Hợp tác xã Lay Nưa, huyện Mường Lay, tỉnh Lai Châu, tháng 12 năm 1987.
Nhờ thực hiện đường lối đổi mới đúng đắn, nền kinh tế nước ta dần được phục hồi và phát triển, lạm phát giảm dần, đầu tư nước ngoài tăng lên, đời sống nhân dân từng bước ổn định. Ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tham quan gian hàng của tỉnh Phú Khánh tại Hội chợ Triển lãm kinh tế - kỹ thuật toàn quốc lần thứ 3, năm 1987.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm xí nghiệp Công ty Hợp doanh Cao su Phạm Hiệp (thuộc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh), cơ sở thí điểm thực hiện Nghị quyết 306 của Bộ Chính trị về phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, ngày 6 tháng 2 năm 1987.
Ngày 9 tháng 2 năm 1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ và làm việc với các nhà quản lý kinh tế, các nhà khoa học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, công nhân làm việc tại Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (Vũng Tàu), tháng 4 năm 1987.
Chuyển biến toàn bộ sự nghiệp cách mạnh theo hướng đổi mới là một quá trình lâu dài, Chúng ta còn phải tiếp tục kiên trì suy nghĩ, tìm tòi, thử nghiệm, từng bước hình thành cái mới một cách tích cực và vững chắc" (Trích từ "Nguyễn Văn Linh": Đổi mới để tiến lên", Nxb Sự thật, 1988) Ảnh: Nhà máy cơ khí Trung tâm Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh được xây dựng phục vụ chương trình phát triển công nghệ khai thác than xuất khẩu.
Nhờ chuyển đổi cơ chế quản lý, thực hiện khoán sản phẩm đến người lao động, nông dân phấn khởi, năng suất và sản lượng lúa ngày càng tăng. Ảnh: Nông dân huyện Quảng Điền, Bình Trị Thiên làm nghĩa vụ lương thực.
Với công lao và sự sáng tạo, năng động, tìm tòi, khai phá cong đường đổi mới ở nước ta, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI họp tại Hà Nội từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 12 năm 1986, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhận trọng trách lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đưa đất nước chuyển sang một thời kỳ mới. Ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Linh độc diễn văn khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.
Với những công lao và thành tích to lớn đối với sự nghiệp cách mạng và hoạt động đối ngoại, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Đảng, Nhà nước Việt Nam và các nước anh em tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương cao quý. Ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đón nhận Huân chương Vàng quốc gia - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Lào, ngày 2 tháng 7 năm 1989.
Ngày 11 tháng 6 năm 1990, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm khu căn cứ Bến Dược (Củ Chi), thăm gia đình ông Hà Văn Sang có 03 người con hy sinh trong kháng chiến.
Đối với gia đình, đồng chí Nguyễn Văn Linh là một người chồng mẫu mực, thủy chung, một người cha thân yêu, một người ông hiền hòa, nhân hậu. Ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và một người bạn đời thủy chung Ngô Thị Huệ, tại thành phố Hồ Chí Minh, tháng 01 năm 1989.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng con gái và các cháu.
Phan Tuấn