Tổng Bí thư: Không để những người chạy chức lọt vào cấp ủy khóa mới

(Dân trí) - Chọn nhân sự dịp đại hội đảng bộ các cấp khoá tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín và triển vọng, rà soát kỹ thông tin, nắm chắc cán bộ, kiên quyết không để lọt vào cấp uỷ những người có tham vọng quyền lực, chạy chức chạy quyền.

Đây là nội dung trong bài viết quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” để định hướng cho các cấp uỷ đảng thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được ký ban hành ngày 30/5 vừa qua.

Tổng Bí thư: Không để những người chạy chức lọt vào cấp ủy khóa mới - 1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” để định hướng cho các cấp uỷ đảng thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Báo cáo kiểm điểm phải gắn với trách nhiệm cá nhân cán bộ lãnh đạo

Theo Tổng bí thư, trước hết, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của đại hội để chuẩn bị thật tốt và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp.

Tổng bí thư yêu cầu đề cao vai trò của tập thể cấp ủy đi đôi với tăng cường trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong việc giải quyết những vấn đề được quan tâm.

Thực tế một số nhiệm kỳ gần đây, có một số đảng bộ chỉ tập trung lo cho đại hội mà có phần buông lỏng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, không hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, thậm chí gây ảnh hưởng không tốt cho nhiệm kỳ sau.

Tổng Bí thư yêu cầu tập trung chuẩn bị cho đại hội là công việc quan trọng lúc này, tuy nhiên không được làm ảnh hưởng đến các mặt công tác khác.

Theo Tổng bí thư, quá trình chuẩn bị đại hội cũng là thời điểm các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị triệt để lợi dụng để kích động, xuyên tạc, chống phá quyết liệt cả về đường lối, chính sách và nhất là công tác nhân sự. Vì thế, cần đẩy mạnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc và những thông tin giả, xấu, độc trên mạng xã hội, Internet.

Nhiệm vụ thứ hai được Tổng bí thư nhắc đến là việc xây dựng báo cáo chính trị - văn kiện trung tâm của mỗi đại hội, phải thể hiện một cách tập trung nhất tầm nhìn, bản lĩnh, trí tuệ, ý chí, sức mạnh đoàn kết của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Đánh giá đúng bao giờ cũng là một việc khó, đòi hỏi phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phương pháp khoa học, thái độ nghiêm túc, chân thành, trung thực của từng cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu.

Báo cáo kiểm điểm của tập thể cần gắn với trách nhiệm cá nhân, để từng người nghiêm túc nhìn nhận lại việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.

Đặc biệt, cần phân tích những vấn đề như tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tệ nạn xã hội; những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, kèn cựa địa vị, tình trạng cục bộ, "lợi ích nhóm", "tư duy nhiệm kỳ"...

Nhiệm vụ thứ ba là báo cáo kiểm điểm của cấp ủy phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, chỉ ra những ưu, khuyết điểm và nguyên nhân, đề cao tự phê bình và phê bình, không nể nang, né tránh.

Người lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng lưu ý, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy như là tấm gương phản chiếu năng lực và phẩm chất, ý chí và hành động, nếp nghĩ và cách làm của cấp ủy trong cả nhiệm kỳ.

Tổng Bí thư cho rằng việc kiểm điểm phải đề cao tự phê bình và phê bình, không nể nang, né tránh.

Trong báo cáo kiểm điểm của tập thể, Tổng Bí thư nhắc, cần gắn với trách nhiệm cá nhân, để từng người nghiêm túc nhìn nhận lại việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, "tự soi, tự sửa", phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, ra sức tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chọn nhân sự cần chú trọng nhân tố mới có triển vọng

Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả; đồng thời tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Cụ thể về công tác nhân sự cho đại hội Đảng các cấp, Tổng Bí thư định hướng, cần kết hợp hài hòa giữa chuẩn bị nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ, bảo đảm cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành nhiệm vụ, đủ thời gian rèn luyện và thử thách qua thực tiễn.

Xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa việc nâng cao chất lượng cấp ủy với bảo đảm cơ cấu 3 độ tuổi, tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

Tiến hành từng bước, từng việc, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch nhưng phải thật sự đúng người, đúng việc.

Tăng cường kiểm soát công tác cán bộ và chuẩn bị nhân sự cấp ủy; nghiêm cấm mọi biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tìm cách nâng người này, hạ người kia, gây nghi ngờ, làm mất đoàn kết nội bộ.

Rà soát kỹ, bổ sung đầy đủ thông tin, nắm chắc cán bộ; những đảng viên có vấn đề về chính trị phải được cấp có thẩm quyền thẩm tra, kết luận trước khi giới thiệu bầu vào cấp ủy.

Tổng Bí thư quán triệt, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", quan liêu, tham nhũng; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.

P.Thảo