1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thứ trưởng Bộ Công an:

Tội phạm mua bán người xâm phạm đến những quyền cơ bản nhất của con người

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng diễn ra phức tạp,...

Ngày 30/7, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện trực tuyến Chung tay phòng, chống mua bán người với chủ đề "Lắng nghe nạn nhân - Dẫn lối hành động" nhân Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7.

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nêu rõ, chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống mua bán người năm nay được Liên Hợp Quốc xác định là "Lắng nghe nạn nhân - Dẫn lối hành động", khuyến nghị các quốc gia lấy nạn nhân làm trung tâm trong mọi giải pháp về phòng, chống mua bán người. Đây cũng là quan điểm, cách tiếp cận của Chính phủ Việt Nam và là nguyên tắc đã được khẳng định trong Luật Phòng, chống mua bán người…

Tội phạm mua bán người xâm phạm đến những quyền cơ bản nhất của con người - 1

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu khai mạc sự kiện.

Bà Hà Thị Nga kêu gọi các cấp Hội Phụ nữ, cán bộ hội viên, phụ nữ hãy đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu cao tinh thần cảnh giác, phối hợp với ngành Công an và các ngành, các cấp phát hiện, tố giác tội phạm, tư vấn, hỗ trợ cho nạn nhân kịp thời. Đặc biệt phát huy hiệu quả hoạt động của Ngôi nhà bình yên, Ngôi nhà nhân ái, Nhịp cầu hạnh phúc - thực sự là điểm tựa nâng đỡ chị em trở về, tái hòa nhập cộng đồng...

Tại sự kiện cũng đã diễn ra tọa đàm, gặp gỡ và lắng nghe chia sẻ của đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự; đại diện Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đại diện lãnh đạo Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam; Hoa hậu Khánh Vân… về những câu chuyện giải cứu và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, để từ đó thực sự đồng cảm và có những hành động thực tế đồng hành cùng họ trên con đường xây dựng lại cuộc sống...

Phát biểu chỉ đạo và phát động tại sự kiện "Chung tay phòng, chống mua bán người", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ, trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng diễn ra phức tạp, xâm phạm đến những quyền cơ bản nhất của con người, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội và ngày càng trở thành mối quan tâm sâu sắc của tất cả chúng ta. Tội phạm mua bán người hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp; các đối tượng câu kết hình thành tổ chức, đường dây khép kín, hoạt động trên nhiều địa bàn, xuyên quốc gia; lợi dụng các trang mạng xã hội (facebook, zalo…) để tìm kiếm, môi giới, dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ và trẻ em bán ra nước ngoài hoặc trong nội địa. Phần lớn nạn nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống.

Tội phạm mua bán người xâm phạm đến những quyền cơ bản nhất của con người - 2

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại sự kiện.

Thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người còn diễn biến phức tạp. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các đơn vị cần phải bám sát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, trong đó có công tác phòng, chống mua bán người là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên.

Chủ động đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người từ sớm, từ xa, từ cơ sở, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ của các lực lượng chức năng, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội ở địa bàn cơ sở. Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với địa phương xây dựng thế trận phòng, chống tội phạm mua bán người, tập trung lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp chủ động phát hiện, đấu tranh xử lý nghiêm minh, kịp thời tội phạm mua bán người. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, cơ quan tư pháp các quốc gia để hợp tác toàn diện về phòng ngừa, ngăn chặn, triệt phá các đường dây mua bán người, kịp thời giải cứu nạn nhân. Thực hiện thông điệp của "Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người" năm 2021, cần xác định rõ tầm quan trọng của việc lấy nạn nhân làm trung tâm, việc lắng nghe và thấu hiểu nạn nhân, từ đó đưa ra những biện pháp hiệu quả nhằm phòng ngừa tội phạm mua bán người cũng như để xác định, giải cứu và hỗ trợ nạn nhân trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng lưu ý mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện các hành vi phạm tội mua bán người; chủ động trang bị kiến thức về thủ đoạn của tội phạm, kỹ năng di cư an toàn. Đặc biệt, đối với phụ nữ, trẻ em gái cần thận trọng khi làm quen, giao tiếp, quan hệ trên mạng xã hội. Các gia đình có con em đang ở độ tuổi vị thành niên cần chú ý giáo dục, định hướng việc sử dụng điện thoại, Internet của các cháu; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để quản lý, giáo dục con kịp thời…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm