“Tội phạm có tính chất tra tấn không phổ biến”
(Dân trí) - Thống kê cho thấy, từ năm 2011 đến 2015, toà án đã thụ lý và xét xử sơ thẩm 10 vụ án về tội dùng nhục hình, không có vụ án nào về tội bức cung và tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật.
Bộ Công an vừa công bố dự thảo lần 6 Báo cáo quốc gia thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người năm 2016 để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của dư luận.
Theo đó, ngay khi chưa tham gia Công ước, Việt Nam đã coi trọng và bảo vệ các giá trị về quyền con người thông qua việc ban hành chính sách, pháp luật và triển khai thực hiện trên thực tế. Việc tham gia Công ước là một trong những bước tiến quan trọng của Việt Nam tiếp nối quá trình xây dựng, hoàn thiện các chế độ, chính sách và thực hiện bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền không bị tra tấn và là một cơ hội để các cơ quan có thẩm quyền triển khai một cách đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, đấu tranh chống hành vi tra tấn xảy ra trên lãnh thổ quốc gia.
Dự thảo báo cáo nhận định, ở Việt Nam tội phạm có tính chất tra tấn không phải là tội phạm phổ biến, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số các tội phạm. Từ năm 2011 đến 2015, TAND đã thụ lý và xét xử sơ thẩm 10 vụ án về tội dùng nhục hình, không có vụ án nào về tội bức cung và tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật.
Cụ thể: năm 2010 và 2011 là 0 vụ; năm 2012 là 4 vụ, chiếm 0,0061% tổng số vụ được xét xử sơ thẩm; năm 2013 là 1 vụ, chiếm 0,003% số vụ được xét xử sơ thẩm; năm 2014 là 3 vụ, chiếm 0,0045% tổng số vụ án được xét xử sơ thẩm; năm 2015 là 2 vụ, chiếm 0,0033% tổng số vụ án được xét xử sơ thẩm.
Tuy vậy, báo cáo khẳng định mỗi vụ án phát hiện có bức cung, dùng nhục hình đều được xử lý nghiêm minh. Điển hình là vụ án Lê Khắc Sáu (cán bộ thuộc đội Cảnh sát điều tra Công an TP Phan Rang, Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) bị TAND tỉnh Ninh Thuận kết án 5 năm tù về tội dùng nhục hình; vụ án Nguyễn Thân Thảo Thành, Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Tấn Quang, Đỗ Như Huy (Công an TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) bị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tuyên phạm tội dùng nhục hình với mức án cao nhất đến 5 năm tù.
“Điều đó cho thấy Việt Nam kiên quyết trừng trị mọi hành vi tra tấn, bức cung, dùng nhục hình; không bao che, dung túng cho bất kỳ ai, kể cả những cán bộ công quyền xâm phạm quyền cơ bản của con người; đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người”- dự thảo báo cáo do Bộ Công an xây dựng nêu rõ.
Trong thời gian sắp tới Việt Nam sẽ mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia thành viên của Công ước trong hợp tác đấu tranh, phòng chống tra tấn và các tội phạm khác có liên quan đến tra tấn; đồng thời, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về tổ chức, thực thi Công ước cũng như thực tiễn các biện pháp, phương tiện và sử dụng trang thiết bị có hiệu quả về phòng, chống tra tấn.
Tiếp tục đưa nội dung “cam kết không tra tấn và sử dụng các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo” trong các yêu cầu dẫn độ và yêu cầu chuyển giao người bị kết án phạt tù của nước ngoài gửi đến Việt Nam và yêu cầu dẫn độ của Việt Nam gửi đến các nước là một nguyên tắc bắt buộc.
Trao trả 32 đối tượng thuộc danh sách truy nã của Interpol
Về dẫn độ, dự thảo báo cáo cho biết từ năm 2012 đến 2016, trong các yêu cầu dẫn độ mà Việt Nam đã gửi đến các nước đều khẳng định cam kết người bị yêu cầu dẫn độ sẽ không bị tra tấn hoặc đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người hay bị truy bức do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị. Đồng thời, Việt Nam cũng đề nghị các quốc gia yêu cầu Việt Nam dẫn độ cũng phải cam kết nội dung tương tự khi yêu cầu đẫn độ.
Ngoài ra, Luật tương trợ tư pháp năm 2007 đã có quy định không chuyển giao nếu có căn cứ cho rằng người bị kết án đó khi về nước mà mình mang quốc tịch để tiếp tục chấp hành án có thể bị tra tấn, trả thù hoặc truy bức tại nước tiếp nhận.
Các đơn vị chức năng của Bộ Công an Việt Nam thực hiện kiểm tra, phát hiện các đối tượng phạm tội bị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, cảnh sát quốc tế truy nã đang lẩn trốn tại Việt Nam và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các thủ tục cần thiết để bàn giao cho cơ quan chức năng của nước ngoài. Năm 2015, các đơn vị thuộc Bộ Công an Việt Nam đã trao trả 32 đối tượng thuộc danh sách truy nã của Interpol. Đến nay, Việt Nam cũng chưa có vụ việc trục xuất, trao trả hoặc dẫn độ nào liên quan đến tra tấn.
Từ năm 2011 đến đầu năm 2016, Bộ Công an Việt Nam đã thực hiện trục xuất hình sự 54 người theo quyết định của toà án; trục xuất 167 người theo thủ tục hành chính..
Theo dự thảo báo cáo, pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể về trường hợp không được trục xuất nếu có lý do để tin rằng người bị trục xuất sẽ bị tra tấn. Tuy nhiên, khi quyết định áp dụng hình phạt trục xuất, tòa án hoặc người có thẩm quyền đều phải cân nhắc đến lợi ích của người bị trục xuất, các quy định của pháp luật trong nước, pháp luật quốc tế trong đó có quy định tại Điều 3 của Công ước chống tra tấn để đưa ra quyết định phù hợp.
Thế Kha