1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Ủy ban Tư pháp chỉ đạo xem xét vụ 5 công an dùng nhục hình ở Phú Yên

Công văn của UB Tư pháp gửi Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị xem xét giải quyết đúng quy định của pháp luật vụ 5 công an dùng nhục hình ở Phú Yên

Liên quan vụ án 5 công an dùng nhục hình ở Phú Yên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa có công văn do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Luật ký, gửi Chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng chỉ đạo xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, trả lời nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình bị hại Ngô Thanh Kiều (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên) - nghi can trong vụ trộm cắp tài sản bị 5 công an dùng nhục hình gây tử vong, đồng thời phải thông báo kết quả giải quyết đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Công văn của Ủy ban Tư pháp
Công văn của Ủy ban Tư pháp

Trước đó, vào cuối tháng 6, Luật sư: Phạm Công Út, Nguyễn Hồng Hà, Lê Minh Nhân, Nguyễn Văn Quynh và Ngô Anh Tuấn bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình bị hại Ngô Thanh Kiều đã có đơn kiến nghị khẩn gửi tới Tòa án Nhân dân cấp cao và Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và nhiều cơ quan Trung ương, kiến nghị cần đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo đúng quy định pháp luật và đặt nghi vấn về việc trì hoãn xét xử, dẫn tới vi phạm Luật Tố tụng hình sự về thời hạn xét xử phúc thẩm.

Trong đơn, nhóm luật sư nêu rõ, mặc dù 2 lần Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hoãn phiên tòa là có căn cứ và đúng pháp luật, tuy nhiên, từ ngày hoãn phiên tòa lần 2 (ngày 27/11/2015) đến nay đã 8 tháng mà Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử cho thấy có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hình sự hiện hành.

Cụ thể, theo Điều 242 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, Tòa án cấp phúc thẩm phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án. Thời hạn hoãn phiên tòa theo quy định của luật này không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn.

Nhóm luật sư nhấn mạnh, việc trì hoãn đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án khiến gia đình bị hại Ngô Thanh Kiều vô cùng bức xúc và mong muốn vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm sớm, đảm bảo tính công khai, công bằng và nghiêm minh của pháp luật.

Vụ án 5 công an dùng nhục hình ở Phú Yên khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi đây là vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, xâm phạm nghiêm trọng quyền con người, quyền công dân.

Tại bản án sơ thẩm ngày 15/4/2015, TAND tỉnh Phú Yên tuyên bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành 8 năm tù; Nguyễn Minh Quyền 2 năm 6 tháng tù; Phạm Ngọc Mẫn 2 năm 3 tháng tù; Nguyễn Tấn Quang 2 năm tù; Đỗ Như Huy 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo và Lê Đức Hoàn 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Bản án tuyên Ngô Thanh Kiều không thuộc trường hợp được bồi thường tổn thất tinh thần theo Luật Bồi thường Nhà nước nên chỉ chấp nhận bồi thường 60 tháng lương tối thiểu (69 triệu đồng), 30 triệu đồng án phí và tiền cấp dưỡng cho 2 con bị hại, mỗi cháu 575.000 đồng do bà Trần Thị Tâm (vợ của nạn nhân Kiều) nhận. Các bị cáo đã bồi thường 186 triệu nên tòa không xem xét. Công an TP.Tuy Hòa có nghĩa vụ cấp dưỡng cho 2 con của nạn nhân Ngô Thanh Kiều.

Tuy nhiên, đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo xem xét lại toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm với lý do việc điều tra, truy tố xét xử ở cấp sơ thẩm không đúng tội danh, có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội, giải quyết bồi thường không thỏa đáng.

Theo Hà Thanh

VOV.VN