“Tôi nhiều lần lưu ý Chính phủ về yếu kém của Bộ GTVT”
Sáng 16/5, trong vòng vây của báo chí, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc gần như phủ nhận trách nhiệm cụ thể của bộ này trong vụ PMU18.
Theo ông, Bộ Kế hoạch Đầu tư chỉ giám sát tổng hợp. Với trách nhiệm quản lý trực tiếp, Bộ Giao thông phải là cơ quan phát hiện đầu tiên vụ tiêu cực.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội Tào Hữu Phùng có nói rằng, Bộ Kế hoạch Đầu tư có trách nhiệm rất lớn trong vụ tiêu vực PMU18. Bộ trưởng nghĩ sao?
Đây là trách nhiệm chung của Chính phủ và từng bộ, từng ngành đều phải có trách nhiệm. Tôi đã đọc kỹ bài của ông Tào Hữu Phùng và cho rằng, ông Phùng nói khá chính xác.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Kế hoạch Đầu tư thấy phải xem lại tất cả các khâu trong việc giám sát. Tôi xin nói lại là Bộ Kế hoạch Đầu tư chỉ có vai trò giám sát và kiểm tra (trong việc triển khai thực hiện vốn ODA), còn đơn vị chủ quản, quản lý trực tiếp của dự án phải chịu trách nhiệm.
Như vậy, có thể hiểu là nếu cơ quan điều tra không phát hiện những tiêu cực trong vụ án PMU18 thì quản lý của Bộ Kế hoạch đầu tư vẫn tiếp tục lỏng lẻo?
Không phải Bộ Kế hoạch Đầu tư quản lý lỏng lẻo. Chính phủ mới giao cho chúng tôi tổ chức kiểm tra, giám sát trong thời gian 3 năm lại đây. Chúng tôi cũng mới có 40 người, lại vừa phải học nghề, đào tạo... lại vừa triển khai công việc. Quan điểm của Bộ Kế hoạch Đầu tư là những lĩnh vực nào mà các bộ, các ngành hay thanh tra Chính phủ đã giám sát thì không giám sát nữa.
Trong vụ PMU18, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức 3 lần giám sát nên chúng tôi không triển khai giám sát ở đơn vị này nữa mà đi giám sát các dự án khác như cảng Tiên Sa, các dự án thuỷ lợi, các dự án ở một số địa phương...
Năng lực hiện nay của Bộ Kế hoạch Đầu tư chưa đáp ứng được đòi hỏi yêu cầu của công tác giám sát và thanh tra ngày một lớn, nên Bộ đang có chương trình phát triển hệ thống thanh tra của mình.
Những cán bộ trực tiếp chịu trách nhiệm giám sát của Bộ Kế hoạch Đầu tư trong vụ PMU18 sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý như thế nào?
Chúng tôi không phân công ai cụ thể, mà Bộ Kế hoạch Đầu tư chỉ chọn từng đơn vị và dự án để tiến hành thanh tra, giám sát. Bộ Giao thông vận tải là người kiểm tra giám sát trực tiếp đối với PMU18. Bộ Kế hoạch Đầu tư chỉ giám sát một cách tổng hợp, Bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm giám sát cụ thể đối với từng đơn vị và dự án mà họ là người quản lý trực tiếp. Bộ Kế hoạch Đầu tư làm sao có thể quản lý được hàng nghìn, hàng vạn dự án đầu tư trên nước này.
Ông đã lần nào nói trực tiếp với Bộ trưởng Giao thông Vận tải về những yếu kém trong quản lý của Bộ này?
Tôi đã nhiều lần đề cập, lưu ý trong các phiên họp Chính phủ khi đề cập tới chấn chỉnh đầu tư chung trong cả nước, chứ không riêng vụ PMU18.
Việc đổi mới các Ban quản lý dự án (PMU) đã được Chính phủ bàn thảo đến đâu?
Trong phiên họp Chính phủ cuối tháng 4, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có một báo cáo đầy đủ về việc chấn chỉnh công tác đầu tư xây dựng cơ bản. Hiện, các PMU, đặc biệt là ở Bộ Giao thông Vận tải chưa hợp lý. PMU chưa gắn với người mà sau này sẽ sử dụng và vận hành công trình.
Ví dụ đối với đường 18, PMU18 không phải là người sử dụng và vận hành con đường này. Họ chỉ xây dựng, xây xong thì bàn giao nên trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả của con đường chưa gắn với người mà sau này sẽ sử dụng. Trong báo cáo trình QH tại kỳ họp này, tôi có nêu vấn đề này. Do vậy, chúng ta phải thay đổi toàn bộ cách tổ chức các PMU của Bộ Giao thông Vận tải hiện nay.
Bộ trưởng có lo ngại tiêu cực trong vụ PMU18 sẽ ảnh hưởng tới việc thu hút vốn ODA vào Việt Nam?
Theo tôi không ảnh hưởng. Mức độ sai phạm, tham nhũng trong vụ án phải chờ cơ quan điều tra kết luận. Trong tất cả các trường hợp, các nước nhận viện trợ cũng có tình trạng này xảy ra và các nhà tài trợ hiểu điều đó. Điều căn bản mà chúng ta phải nhấn mạnh là thái độ của chúng ta đối với vụ đó như thế nào, đối với người sai phạm như thế nào, có nghiêm trị hay không. Nếu chúng ta nghiêm trị tốt, đảm bảo chống tham nhũng và Chính phủ cam kết chống tham nhũng thì các nhà tài trợ sẽ yên lòng và tiếp tục viện trợ cho chúng ta.
Việt Nam sẽ hợp tác thế nào đối với đoàn điều tra của các nhà tài trợ vào thanh tra các dự án ODA?
Chúng tôi vừa nhận được thông tin của ông Rohland Klaus (Giám đốc WB tại VN) là họ sẽ cử một số chuyên viên sang xem xét lại các dự án của WB để làm việc, điều tra, kiểm toán một số dự án của họ. Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ phối hợp cụ thể.
Họ có đề nghị gì cụ thể?
Hiện chưa đề nghị cụ thể mà chỉ đề nghị với cấp dưới của tôi rằng sẽ gặp nhau vào cuối tuần này để trao đổi. VN sẽ hợp tác chân thành. Chúng ta phải cùng với họ tìm ra xem những điểm nào chúng ta còn thiếu sót, điểm nào vi phạm để khắc phục, đồng thời cũng để nghiêm trị những kẻ nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng.
Theo Việt Anh
Vnexpress