“Tôi không đi đường BOT thì không được thu phí của tôi!”

(Dân trí) - “Trạm thu phí đặt chưa hợp lý, thành thử mới có chuyện. Còn nhà đầu tư anh giải thích thế nào thì giải thích, nhưng tôi không đi đường BOT thì không được thu phí của tôi…”, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nêu quan điểm rõ ràng tại buổi toạ đàm với chủ đề “Giải pháp giải quyết bất cập về trạm thu phí”.

Buổi toạ đàm với chủ đề “Giải pháp giải quyết bất cập về trạm thu phí” do báo Tiền phong tổ chức diễn ra sáng nay ngày 19/4.

“Lỗi” không phải do dân!

Ông Phạm Quang Dũng - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Công ty Tasco - cho hay: Trước khi làm dự án nhà đầu tư đều xin ý kiến Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ GTVT xin chỉ đạo từ Chính Phủ, lấy ý kiến của các Bộ, Ban, ngành, tỉnh... rất nhiều lần đều thấy sự quyết tâm. Sau khi có đầy đủ ý kiến về Bộ GTVT thì Bộ mới cấp chứng nhận đầu tư. Về trạm thu phí, Bộ GTVT thêm lần nữa gửi công văn về tỉnh để xem họ có đồng ý hay không, sau đó mới triển khai.

Buổi tọa đàm về bàn về Giải pháp giải quyết bất cập về trạm thu phí, sáng 19/4
Buổi tọa đàm về bàn về "Giải pháp giải quyết bất cập về trạm thu phí", sáng 19/4

“Doanh nghiệp hoàn thiện đường nhưng thu phí rất khó khăn. Tôi nghĩ rằng, không phải do người dân hoàn toàn, chúng ta phải làm rõ về mặt pháp luật. Nếu bảo sai thì phải cùng nhau ngồi xem lại, chứ đổ hết lỗi cho nhà đầu tư BOT là không phải. Khi sự cố, nhà nước lại tham gia vào. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài hãi” - ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - nêu quan điểm: Khi đặt trạm BOT phải lấy ý kiến người dân, còn lãnh đạo địa phương ai cũng sẽ ủng hộ. Nhà đầu tư phải giải thích rõ cho dân, mọi người sẽ đồng tình. Lấy ý kiến đầy đủ, đa chiều thì quy trình sẽ đúng đắn.

“Người dân bức xúc như vậy thể hiện sự bất cập về việc đặt trạm thu phí không hợp lý. Nhà nước, nhà đầu tư nói đúng quy trình, tôi đồng ý, nhưng quy trình đó có vấn đề. Người dân sống quanh trạm BOT, hàng ngày đi qua nhiều lần, mỗi lần qua lại thu phí thì không thể chấp nhận được” - ông Thanh nhấn mạnh.


Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Thanh: Tôi không đi đường BOT thì không được thu phí của tôi!”

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Thanh: "Tôi không đi đường BOT thì không được thu phí của tôi!”

“Đừng đặt BOT ở đầu đường hoặc cuối đường, gần các thành phố, thị xã, thị trấn bởi người dân qua lại nhiều. Chúng tôi đồng tình là BOT thu phí khó khăn hơn đường cao tốc, tuy nhiên vẫn phải có giải pháp thiết thực để người dân tâm phục khẩu phục. Nếu doanh nghiệp BOT tử tế, người dân sẽ hiểu điều đó và không gây khó khăn gì” - ông Thanh đề nghị.

Lợi ích BOT vô cùng lớn?

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh - Chủ tịch Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) - đặt ra hàng loạt câu hỏi: Tại sao lúc đầu người dân và dư luận vinh danh các nhà đầu tư BOT mà giờ lại có thái độ trái ngược? Có thể, thời gian vừa qua, có việc tăng giá vé gây bức xúc nhưng chúng ta đầu tư lớn... thì tăng giá là việc tất yếu. Hiện nay có bất cập thì cần giải quyết như thế nào và trong bao lâu?

“Chúng tôi khẳng định nhà đầu tư không có lỗi gì trong việc thực hiện trách nhiệm hợp đồng BOT, còn quyền lợi đến nay chắc chắn đang bị ảnh hưởng. Vậy, cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc này? Chúng ta phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Việc áp dụng hình thức “thu phí hở”, nên có bất cập là người đi đường dài, đường ngắn mà lại phải trả tiền như nhau. Nếu “thu phí kín” thì sẽ công bằng và chính xác hơn. Nhưng tổng hòa lại thì tôi nghĩ, hai hình thức thu phí cũng một 9 một 10” - ông Huỳnh bày tỏ.

Người dân trả tiền lẻ khi qua BOT Bến Thủy gây ùn tắc giao thông kéo dài (ảnh: Nguyễn Duy)
Người dân trả tiền lẻ khi qua BOT Bến Thủy gây ùn tắc giao thông kéo dài (ảnh: Nguyễn Duy)

Chủ tịch Cienco 4 đề cập tới lợi nhuận đầu tư được ghi rõ trong hợp đồng là 10 - 11% và phân tích: Tiền đó chúng tôi phải trả thuế, trả lãi ngân hàng... thì thử hỏi chúng tôi lợi nhuận khủng ở chỗ nào? Cứ nói nhà đầu tư lợi nhuận “khủng” khiến chúng tôi cảm thấy tự ái, mất niềm tin. Nhà đầu tư mà giảm giá vé, kéo dài thời gian thì chúng tôi rất thiệt hại và nhiều rủi ro. Chúng tôi không kịp thời trả lãi cho ngân hàng, thời gian bảo trì tăng lên... Như vậy tổng hòa chi phí của dự án BOT lại tăng lên.

Tại buổi tọa đàm, ông Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - khẳng định: “Lợi ích BOT là vô cùng to lớn, việc đặt các trục BOT có cái không phù hợp. Nếu đặt vào khu đông dân cư thì khiến dân rất bức xúc, cái đó là không nên. Khi làm, anh không tự mình giải thích những cái lợi cho dân thì người dân sẽ bức xúc.

Tôi là đại biểu quốc hội và tôi hứa nếu sai thì tôi sẽ phản đối đến cùng. Cái gì lợi cho dân là làm. Sứ mệnh của chúng ta là làm sao có lợi cho dân, cho nhà nước. Tôi cho rằng những bất cập ở trạm thu phí bắt đầu phải từ chính doanh nghiệp. Không phải vì doanh nghiệp làm sai pháp luật mà vì doanh nghiệp làm chưa kín kẽ”.

Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài thu phí hộ dự án BOT tuyến tránh TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Người dân bức xúc vì không đi vẫn phải nộp tiền.
Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài thu phí "hộ" dự án BOT tuyến tránh TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Người dân bức xúc vì không đi vẫn phải nộp tiền.

Về phía Bộ GTVT, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng vụ Đối tác công tư - cho hay: Bộ GTVT không được bỏ rơi và không thể bỏ rơi nhà đầu tư. Bên cạnh đó cũng rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Về giải pháp lâu dài để giải quyết tình trạng bức xúc tại tram thu phí hiện nay, ông Huy khẳng định: Bộ GTVT sẽ cùng các Bộ ngành liên quan, nhà đầu tư, ngân hàng xây dựng một chính sách chung, theo hướng miễn giảm cho người dân xung quanh trạm thu phí theo khoảng cách và mức độ.

Châu Như Quỳnh