1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội:

“Tôi đi xe buýt cũng... sợ mất vía!”

(Dân trí) - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết, hàng tháng ông đều đi xe buýt để nắm bắt thực trạng hoạt động của loại phương tiện công cộng này. Ông Tân thừa nhận, tình trạng móc túi trên xe khiến ông “sợ mất vía”...

Chiều ngày 11/10, tại buổi giao ban báo chí thành phố, đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã giải đáp những băn khoăn về “vấn nạn” của xe buýt và về việc phân làn tách dòng phương tiện.

Lái xe còn “hách dịch” 

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Tân cho biết, không chỉ Bộ Trưởng Đinh La Thăng phải “vi hành” trên xe buýt để nắm bắt thực trạng hoạt động của loại phương tiện công cộng này. “Để khỏi quan liêu và cũng vì nghề nên chúng tôi phải đi xe buýt nhiều; đi khảo sát, đi thử… mới nắm rõ được vấn đề mình làm”, ông Tân cho hay.
 
“Tôi đi xe buýt cũng... sợ mất vía!” - 1
Xe buýt chưa đáp ứng được nhu cầu người dân Thủ đô (Ảnh: Việt Hưng)

Khi đề cập đến vấn đề xe buýt hiện nay, ông Tân cho rằng chất lượng phục vụ... tương đối tốt. “Để khách quan trước hết đánh giá này thuộc về người dân”, ông Tân mong nhận được phản ánh của người dân cũng như dư luận.

Phó Giám đốc Sở Giao thông cắt nghĩa việc nhận xét “tương đối tốt” là vì ông nhận thấy xe buýt phục vụ “thượng đế” còn những bất cập. “Lái xe còn chạy vòng vèo;  lái xe chạy nhanh để đảm bảo chuyến - do công ty còn khoán lượt; thu tiền không xé vé; lái, phụ xe còn hách dịch quát người dân…”, ông Tân liệt kê hoàng loạt "tội" của xe buýt hiện nay.

Trước những băn khoăn về tình trạng trộm cắp trên xe buýt gây bất an cho người dân, ông Tân cho rằng, nếu không cẩn thận thì đi vào rạp hát, phim cũng bị móc túi chứ không nói gì khi đi xe buýt. “Tình trạng móc túi tôi không dám trả lời đã giải quyết triệt để hay chưa. Tôi đi xe buýt cũng sợ khiếp vía nên phải để ví cẩn thận. Đây là vì kinh nghiệm của tôi chứ không phải là vì tình trạng trộm cắp tồn tại nhiều trên xe”, Phó Giám đốc Sở Giao thông đúc rút kinh nghiệm qua những lần đi xe.

Ngoài ra, ông Tân còn cho biết, tình hình an ninh trong hoạt động xe buýt được “cải thiện” như hiện nay là do Sở Giao thông đã phối hợp với Công an Thành phố xử lý nghiêm nhiều đối tượng. Phó Giám đốc Sở Giao thông cũng khẳng định xe buýt chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Ông Tân hi vọng với đề án phát triển giao thông công cộng từ nay đến năm 2020 sẽ từng bước nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt.

200 cột biển báo ở giải phân cách bị hạ gục, làm xoay lệnh

Ông Tân cho biết, từ 20/9 đến nay, 4 tuyến phố: Xã Đàn - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Giải Phóng, phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu đã được phân làn tách dòng phương tiện. Từ nay đến cuối năm Sở Giao thông vận tải đặt mục tiêu tiếp tục phân làn 8 tuyến phố: Kim Mã, Nguyễn Trãi – Quang Trung (Hà Đông), Yên Phụ - Trần Quang Khải, Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh (đoạn từ Nguyễn Văn Cừ đến cầu Vĩnh Tuy), Bắc Thăng Long – Nội Bài và đường Hoàng Quốc Việt.

“Việc phân làn tạo được sự đồng thuận của người dân, lái xe bắt đầu nâng cao ý thức đi đúng làn đường. Tại các tuyến phân làn các xung đột giao thông giảm đáng kể, tăng khả năng thông hành của các phương tiện lưu thông trong khu vực, giảm tai nạn giao thông”, ông Tân cho biết kết quả sau gần 1 tháng phân làn.
 
“Tôi đi xe buýt cũng... sợ mất vía!” - 2
Thanh tra giao thông "tròn mắt" nhìn ô tô đi vào làn xe máy, xe đạp

Ông Tân cho hay, sau gần 1 tháng phân làn lái xe đã hạ gục, làm xoay lệnh gần 200 cột biển báo cắm ở giải phân cách làn đường ô tô, xe máy. Ông Tân cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên phần lớn là do lái xe không tập trung quan sát những biển báo. “Biển phân làn được sơn phản quang, khi bật đèn lên sáng trưng như thế, đi buổi tối còn đâm vào thì... khủng khiếp! Cột cắm dưới đường mà còn không nhìn thấy huống chi nhìn lên trời, dưới nền đường. Chúng tôi là người làm thực tiễn nhất trong câu chuyện này và khẳng định không còn cách nào khác là cưỡng bức giao thông”, ông Tân nói.

Trước lo ngại của việc lái xe đâm vào cột gây thương tích, ảnh hưởng đến tính mạng, ông Tân cho biết, có nhiều cách phân làn như: đặt trên cao, sơn kẻ dưới đường và cũng có thể làm giải phân cách điện tử. “Ngay trước mặt mà người tham gia giao thông không đi được thì áp dụng những biện pháp kia khó thực hiện. Vì vậy, không có cách nào khác ngoài việc phải cưỡng bức giao thông đối với các phương tiện cố tình không đi đúng làn đường”, ông Tân cho hay.

Gần 24 tỉ đồng để phân làn tách dòng phương tiện
Sở Giao thông vận tải cho biết kinh phí thực hiện phân làn tách dòng phương tiện 13 tuyến đường là gần 24 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí cải tạo hạ tầng phục vụ phân làn đã thực hiện để tách dòng 4 tuyến là hơn 4,5 tỷ đồng. Dự kiến 8 tuyến phố còn lại hết khoảng 11,2 tỷ đồng. Số tiền còn lại là kinh phí phục vụ hướng dẫn, cưỡng chế phân làn, trong đó dành cho thanh tra giao thông 5 tỷ, cảnh sát giao thông là 3 tỷ đồng.
Quang Phong