Toàn cảnh vụ lật tàu chở 56 người trên sông Hàn
(Dân trí) - Chiều tối 5/6, thi thể 3 người tử nạn trong vụ lật tàu trên sông Hàn đã được tìm thấy, công tác tìm kiếm cứu nạn đã kết thúc song nỗi đau thương mất mát của gia đình các nạn nhân và sự bàng hoàng của người dân thật khó nguôi ngoai.
Tai nạn nghiêm trọng điển hình vi phạm an toàn giao thông đường thủy
16h44’ chiều 5/6, sau khi thi thể của anh Phạm Tấn Cường (quê ở Bình Định, cùng vợ và hai con đi du lịch hè ở Đà Nẵng) và hai cháu Trịnh Thị Phượng và Trịnh Huy Hoàng (quê ở Bắc Cạn, đi theo đoàn du lịch từ Thái Nguyên đến Đà Nẵng) được tìm thấy, công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn vụ lật tàu trên sông Hàn đã kết thúc. Nhưng nỗi đau thương mất mát của gia đình các nạn nhân và sự bàng hoàng của người dân thật khó nguôi ngoai; bài học coi trọng tính mạng của con người khi đi lại trên sông nước sẽ phải khắc sâu.
Trực tiếp đến hiện trường vụ lật tàu chở du khách trên sông Hàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ngay sau khi nghe chính quyền thành phố và đại diện các cơ quan chức năng liên quan báo cáo tình hình vụ việc: Đây là một vụ tai nạn nghiêm trọng điển hình vi phạm an toàn giao thông đường thủy; phải rà soát, thu thập chứng cứ, điều tra làm rõ toàn bộ sai phạm liên quan vụ việc để tiến hành khởi tố vụ án.
Tàu Thảo Vân 2 bị lật trên sông Hàn khi trên tàu đang có 56 người, gấp đôi sức chứa của tàu. Tàu này được đăng kiểm vào ngày 19/5/2016 và hạn đăng kiểm đến tháng 11/2016. Điều đáng nói tàu này chưa được cấp phép hoạt động du lịch nhưng vẫn liều chở du khách đi lại trên sông Hàn. Hơn nữa, năm 2014, cũng tàu này đã từng bị chìm khi chở 10 người đi trên sông Hàn. Đã có câu hỏi dư luận xã hội đặt ra liệu có hay không tàu Thảo Vân 2 được "bảo kê"?
Ngay trong tối 4/6, khi tàu lật trên sông Hàn, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo tại sao tàu chưa có phép hoạt động du lịch lại dám ngang nhiên chở du khách đi lại trên sông, phải điều tra làm rõ có sai phạm ở đây hay không. Tại hiện trường từ tối 4/6 đến hết ngày 5/6, lãnh đạo chính quyền thành phố chỉ đạo trước mắt dốc toàn lực tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ các nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện, hỗ trợ chỗ ăn ở, phương tiện về quê cho các nạn nhân. Việc thu thập chứng cứ, điều tra làm rõ sai phạm, trách nhiệm để khởi tố vụ án vụ lật tàu trên sông khẩn trưởng triển khai ngay sau khi kết thúc công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Ông Thơ nói: “Đây là việc phải làm rốt ráo, nhưng không phải một sớm một chiều là xong”.
Chuyến du lịch bi thương trên sông Hàn
Với các nạn nhân, nhất là gia đình các nạn nhân tử nạn, đây là chuyến du lịch bi thương mà họ sẽ không thể nào quên.
Có mặt tại hiện trường vụ lật tàu ngay tại bến du thuyền trên sông Hàn ở Đà Nẵng, không ai cầm được lòng thương cảm khi nhìn cảnh chị Đặng Thị Xuân và anh Trịnh Tiến Dương cùng thân nhân hai cháu Trịnh Thị Phượng (7 tuổi) và Trịnh Huy Hoàng (4 tuổi) ngồi bệt giữa cầu cảng, thất thần dõi chờ tin con.
Đang chăm hai đứa con tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, chị Võ Thị Lê Hảo (46 tuổi, trú Quy Nhơn, Bình Định) cho biết, hai cháu Phạm Vũ Hoàng Phúc (12 tuổi) và Phạm Vũ Phúc Hậu (8 tuổi) được nghỉ hè nên vợ chồng chị quyết định cho các cháu đi du lịch như một phần thưởng cho các cháu sau một năm học tập vất vả, đạt thành tích cao.
Lúc mới lên tàu, chị cũng có hỏi chồng là sao không thấy người ta phát áo phao. Chồng chị bảo chắc đợi một chút sẽ phát. Thế rồi đột nhiên thấy tàu nghiêng qua trên trái rồi lật úp. Chị và cháu Phúc bám được vào thành tàu và trèo được lên tàu. Cháu Hậu sau đó được một người khác cứu. Còn chồng chị - anh Phạm Tấn Cường tử nạn.
Chiều 5/6, khi lực lượng tìm kiếm phát hiện thi thể một người đàn ông nghi là anh Phạm Tấn Cường ở khu vực biển Thanh Khê, chị Hảo được đưa đến để nhận dạng và đã không thể đứng vững khi xác định đó chính là chồng mình.
Vợ chồng anh Trịnh Tiến Dương vẫn gào khóc không ngớt khi thi thể hai con được đưa về bệnh viện Đà Nẵng. Có một công ty đóng trên địa bàn TP Đà Nẵng đến trao tiền hỗ trợ, chia sẻ với gia đình nhưng anh không nhận. Anh bảo: “Trả con lại cho vợ chồng em đi, chứ đưa tiền làm gì”.
Khi bố của anh Dương tới bệnh viện, anh lao đến ôm chầm bố mình gào khóc: “Bố ơi, con mất con của con rồi”. Rồi cả hai người đàn cùng ôm nhau khóc. Chứng kiến cảnh đó, không ai có thể kìm được lòng mình.
Vụ lật tàu trên sông Hàn được các nạn nhân và những người chứng kiến kể lại với hai từ "giá như" lặp đi lặp lại trong lòng người. Giá như tàu không liều hoạt động vận tải khách du lịch khi chưa được cấp phép. Giá như chủ tàu biết dừng lại khi số lượng người lên tàu quá đông. Giá như mọi người nhắc nhau mặc áo phao khi đi lại trên sông nước. Giá như... Bài học coi trọng tính mạng của con người khi đi lại trên sông nước sẽ phải khắc sâu; nhất là với hoạt động du lịch đường thủy, vốn rất hấp dẫn du khách, đặc biệt trong mùa du lịch hè.
Lời xin lỗi từ Đà Nẵng
Tại buổi họp báo khẩn về tình hình tìm kiếm cứu nạn trưa 5/6, khi thi thể 3 nạn nhân mất tích suốt từ đêm 4/6 vẫn chưa được tìm thấy, đại diện Ban chỉ huy thống nhất tìm kiếm cứu nạn nói lời xin lỗi từ chính quyền Đà Nẵng đến các nạn nhân, nói rằng Đà Nẵng dồn toàn lực tìm cho được người mất tích trên sông. Hơn 1.000 người của các lực lượng chức năng; 200 phương tiện cứu hộ cứu nạn các loại từ tàu thuyền đến ca nô; hàng trăm thợ lặn chuyên nghiệp của quân đội và cả ngư dân Đà Nẵng đã quần thảo khắp sông và cửa biển để sớm tìm thấy các nạn nhân.
Đặc biệt cảm động là tấm lòng của người dân, nhất là những ngư dân ở Đà Nẵng. Ngay khi thấy tàu Thảo Vân 2 bị lật, các chủ tàu, thuyền viên giỏi bơi lặn từ các tàu du lịch gần đó đã xông pha cứu người. 53/56 người thoát nạn, ngoài một số người tự bơi được vào bờ, phần lớn được các tàu gần đó quăng áo phao và quăng cả người xuống sông cứu nạn. Rồi suốt ngày 5/6, hàng chục tàu của ngư dân Đà Nẵng bỏ ngày làm ăn, tàu và người tất tả đổ về sông phối hợp cùng các lực lượng chức năng tìm kiếm cứu người gặp nạn trên sông Hàn, Đà Nẵng.
K.Hiền - K.Hồng - C.Bính