1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Tổ chức tín dụng, ngân hàng được phép lập biên bản, thu giữ tiền giả

(Dân trí) - Trong giao dịch tiền mặt nếu phát hiện tiền giả thì các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép lập biên bản, thu giữ.

Tổ chức tín dụng, ngân hàng được phép lập biên bản, thu giữ tiền giả - 1
Tiền giả được rao bán công khai trên mạng xã hội (Ảnh minh hoạ).

Theo đề cương xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về đấu tranh phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam đang được Bộ Tư pháp thẩm định, trong giao dịch tiền mặt nếu phát hiện tiền giả thì các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức được phép giao dịch ngoại tệ tiền mặt lập biên bản, thu giữ. Trường hợp phát hiện tiền nghi giả thì lập biên bản, tạm thu giữ để đưa đi giám định.

Ngoài ra, trong trường hợp phát hiện dấu hiệu liên quan đến việc làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì các tổ chức, cá nhân thông báo ngay cho cơ quan công an, quân đội hoặc cơ quan hải quan để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.

Cơ quan giám định tiền là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an. Trường hợp chưa có sự thống nhất về kết quả giám định tiền, kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước có giá trị thực hiện.

Đối với ngoại tệ giả, ngoại tệ nghi giả, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể trực tiếp đề nghị hoặc thông qua tổ chức tín dụng trung gian đề nghị cơ quan phát hành ngoại tệ thực hiện giám định. Trường hợp chưa có sự thống nhất về kết quả giám định ngoại tệ, kết luận giám định của cơ quan phát hành ngoại tệ có giá trị thực hiện.

Các tổ chức, cá nhân có tiền giả phải kịp thời giao nộp cho cơ quan công an, quân đội, Ngân hàng Nhà nước hoặc cơ quan hải quan nơi thuận tiện nhất.

Ngân hàng Nhà nước tổ chức thu hồi, tiêu hủy tiền giả theo quy định như đối với tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Việc tiêu hủy tiền giả là tang vật, vật chứng của các vụ án thực hiện theo quy định của pháp luật.

Như Dân trí đã phản ánh, báo cáo tổng kết thi hành Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg về việc bảo vệ tiền Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có diễn biến phức tạp và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Cùng với sự phát triển của công nghệ sao chụp và xử lý hình ảnh, kỹ thuật làm tiền giả của tội phạm ngày càng tinh vi và giống tiền thật về hình thức.

Từ khi Quyết định số 130/2003 có hiệu lực đến nay, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã khởi tố hơn 1.000 vụ, bắt giữ khoảng 2.000 đối tượng phạm tội về tiền giả góp phần ngăn chặn hoạt động vận chuyển, lưu hành tiền giả từ nước ngoài vào Việt Nam, ngăn chặn tiền giả lưu hành trên thị trường.

Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phản ánh, trong các hoạt động giao dịch tiền mặt cũng đã xuất hiện ngoại tệ giả. Người dân khi gặp phải ngoại tệ giả thường không giao nộp cho hệ thống ngân hàng mà tìm cách tiêu thụ. Trong khi đó, các cơ quan chức năng, hệ thống ngân hàng không thể thực hiện thu giữ do chưa có văn bản pháp lý giao trách nhiệm cho các tổ chức này được phép thu giữ ngoại tệ giả.

Vì thế đã tới lúc tổng kết việc thi hành, đánh giá lại các quy định của Quyết định số 130/2003 để có phương án ban hành nghị định mới thay thế.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm