1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Bình:

Tình trạng chống người thi hành công vụ “nở rộ” trong năm 2009

(Dân trí) - Vụ chèn xe công vụ khiến một trung úy Biên phòng hy sinh hồi đầu tháng 12 đã khiến dư luận tỉnh Quảng Bình xôn xao, phẫn nộ. Đó mới là một phần trong cuộc chiến chống lâm tặc gian nan và đầy rủi ro trong năm 2009 ở tỉnh này.

Lâm tặc đối đầu với lực lượng chức năng

Theo Chi cục Kiểm lâm (KL) Quảng Bình: trong năm đã xảy ra 8 vụ chống người thi hành công vụ nghiêm trọng trong công tác quản lý bảo vệ rừng và lâm sản trên địa bàn. Trong đó, các cơ quan chức năng đã khởi tố 5 vụ, đưa ra ánh sáng hàng chục đối tượng liên quan. Nhưng đó mới chỉ là con số bề nổi, “thực tế các đơn vị báo cáo số vụ phải gấp 3 con số này, nhưng cuối cùng vì chưa xác định được hung thủ, không có thêm các chứng cứ nên chưa thể làm rõ hết” - ông Lê Thuận Thanh - Trưởng phòng Pháp chế Chi cục cho hay.
 
Tình trạng chống người thi hành công vụ “nở rộ” trong năm 2009 - 1

Các cán bộ KL Hạt Phong Nha - Kẻ Bàng ngồi trên đỉnh đồi suốt mấy ngày trời để bảo vệ gỗ khi hàng trăm người dân bao vây dưới chân.

Đầu năm 2009, tại xã Ngân Thủy (Lệ Thủy), anh Dương Hùng Cường cùng 7 cán bộ bảo vệ rừng của lâm trường Khe Giữa khi đang đi tuần thì phát hiện một nhóm đông lâm tặc đang vận chuyển gỗ trái phép trên 13 xe trâu. Nhóm tuần tra vừa xuất hiện đã bị bọn lâm tặc dùng dao, rựa, gậy gộc tấn công tới tấp. Hậu quả là anh Cường bị đánh gãy chân, bị chém nhiều nhát ở vùng mặt, chân. Nhóm lâm tặc táo tợn này còn dùng rựa cắt lìa vành tai. Đó là lần thứ hai trong hai năm liên tiếp anh Cường bị tấn công khi đang làm nhiệm vụ.

Theo phản ánh từ các cơ sở, hiện nay lâm tặc thường tập trung thành nhóm, trang bị nhiều hung khí, công cụ hỗ trợ và sẵn sàng “chơi luật rừng” với các lực lượng bảo vệ rừng khi bị phát hiện hoặc truy đuổi. Vào tháng 5/2009, khi tổ cơ động Hạt KL Quảng Trạch đang cho dừng một xe ôtô để kiểm tra lâm sản có dấu hiệu vi phạm thì bất ngờ, đối tượng ngồi trên xe dùng bình xịt hơi cay tấn công một cán bộ KL rồi bỏ trốn. Sau đó, vào tháng 8, hai cán bộ kiểm lâm trạm Troóc (Hạt KL Bố Trạch) cũng phải nhập viện cấp cứu khi bị lái xe ôtô vi phạm chèn ngã trong lúc cố gắng truy đuổi.
 
Tình trạng chống người thi hành công vụ “nở rộ” trong năm 2009 - 2

Lán KL trên đèo Đá Đẽo tan hoang sau cuộc tấn công bất ngờ của lâm tặc.

Hành động chống người thi hành công vụ chủ yếu nảy sinh khi lâm tặc vận chuyển gỗ trái phép và bị phát hiện, truy đuổi. Nhưng cũng có nhiều trường hợp, lâm tặc sẵn sàng tấn công, khủng bố hoặc đe dọa KL và các lực lượng chức năng chỉ vì “dám” bắt các vụ vi phạm trước đó. Điển hình là vụ 4 đối tượng lâm tặc ở xã Thượng Hóa nhiều đêm liền tổ chức tấn công vào chốt KL tại đèo Đá Đẽo (Minh Hóa), phá hoại các tài sản, lương thực trong chốt để trả thù, dằn mặt. Các cán bộ KL ở đây còn phản ánh, trước khi vụ tấn công xảy ra, một nhóm đối tượng còn dùng súng bắn đạn ghém xả súng vào lán trại nhưng may mắn không có ai thương vong.

Trong khi vụ án đang được điều tra, xử lý thì ở “điểm nóng” Thuận Hóa (Tuyên Hóa), một nhóm lâm tặc sau khi bị bắt gỗ trái phép đã chặn đường Trạm trưởng trạm KL Lê Hóa đánh trọng thương.
 
Tình trạng chống người thi hành công vụ “nở rộ” trong năm 2009 - 3

Anh Hồ Thoong hi sinh trong cuộc chiến với lâm tặc, để lại cha già, vợ và đứa con nhỏ.

“Ngoài vụ lâm tặc dùng ôtô vi phạm chèn chết trung úy Biên phòng Hồ Thoong mới đây, trong năm còn có một vụ án nổi cộm khác, với hàng trăm đối tượng tham gia là vụ gây rối, cướp gỗ vi phạm tại xã Phúc Trạch, ngay trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Điều đó cho thấy, diễn biến chống người thi hành công vụ ngày càng diễn biến phức tạp, các đối tượng táo tợn, manh động hơn và có dấu hiệu tổ chức”, ông Thanh nói.

Cần chế tài mạnh để ngăn rừng “chảy máu”

Ông Thanh thừa nhận: năm 2009, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn diễn ra, đặc biệt là ở các “điểm nóng” như trên đường Hồ Chí Minh đoạn giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh hay trên đường xuyên Á.

“Đã khá nhiều lần, khi đi trên đường chúng tôi phát hiện các vụ vận chuyển nhưng vì lực lượng mỏng, phương tiện thiếu nên việc truy đuổi ít có kết quả. Thậm chí, có khi trước các đối tượng liều lĩnh, không chấp hành tín hiệu dừng xe tôi đã rút súng bắn nổ lốp trước nhưng đối tượng vẫn rồ ga bỏ chạy tới 2km mới chịu dừng” - ông Thanh nói.
 
Tình trạng chống người thi hành công vụ “nở rộ” trong năm 2009 - 4

Rừng vẫn đang bị tàn phá nghiêm trọng (hiện trường vụ phá rừng ở xã Trường Xuân - H. Quảng Ninh)

Ngoài ra, cũng không ít lần vì lực lượng mỏng, KL đành chấp bất lực trước nhóm lâm tặc quá đông và trang bị kiếm, mã tấu sẵn sàng “ăn thua”. Khi lực lượng tiếp ứng đến, các nhóm lâm tặc đã có đủ thời gian để cao chạy xa bay.

Trong những chuyến đi phản ánh tình trạng rừng bị tàn phá, PV đã tiếp xúc với khá nhiều cán bộ bảo vệ rừng và được biết một thực trạng khó khăn khác: theo yêu cầu bảo vệ rừng, cứ 1.000 ha rừng phải có một biên chế cán bộ bảo vệ rừng, nhưng ở hầu hết các BQL rừng trong tỉnh, con số biên chế khiêm tốn hơn nhiều so với diện tích tương ứng. Ví dụ, BQL rừng phòng hộ Long Đại được giao tới 41.000 ha, nhưng chỉ có 15 biên chế.

“Nói là rừng có chủ, nhưng thực ra quyền hạn của các BQL rừng rất hạn chế: không có công cụ hỗ trợ, không có trang thiết bị… Gỗ mang ra cửa rừng chúng tôi mới có quyền bắt giữ, lập biên bản chứ gỗ trong nhà dân hay gỗ đi trên đường hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát theo quyền hạn của BQL”, một Giám đốc BQL rừng chia sẻ.

Có lẽ vì thế, các vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng ở Quảng Bình trong năm 2009 vẫn rất phức tạp. Trong năm, KL và các ngành chức năng đã xử lý 902 vụ vi phạm, trong đó chủ yếu là vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép. Con số này một mặt cho thấy nỗ lực của các lực lượng chức năng, nhưng đồng thời phản ánh thực trạng rừng đang “chảy máu” từng ngày.

“Để giảm thiểu tình trạng phá rừng, ngăn chặn các hành vi chống người thi hành công vụ thì không chỉ KL mà các ngành liên quan như BQL rừng, Công an, Biên phòng, chính quyền các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau. Ngoài ra, có lẽ phải trao nhiều quyền hơn cho các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng để họ có đủ địa vị pháp lý khi thực thi nhiệm vụ”, ông Thanh cho biết.

Trước mắt, để đẩy lùi tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép bán công khai trên các tuyến đường Hồ Chí Minh, đường xuyên Á, Chi cục KL Quảng Bình đã lập đề án xin UBND tỉnh Quảng Bình đặt 3 trạm barrier ở Tân Ấp, đường xuyên Á và Đường 10 - các cung đường “vàng” của lâm tặc trong và ngoài tỉnh.

Hồng Kỹ