1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Xử nghiêm lâm tặc manh động để kiểm lâm không còn phải đổ máu”

(Dân trí) - Các cơ quan tố tụng hình sự xử lý chưa nghiêm, thiếu tính răn đe; hạn chế trong quyền hạn của lực lượng kiểm lâm là những nguyên nhân chính khiến các vụ lâm tặc tấn công lực lượng bảo vệ rừng có chiều hướng gia tăng.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Huy Lợi - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh - trong cuộc trao đổi với PV Dân trí về những vụ lâm tặc “dằn mặt” kiểm lâm diễn ra táo tợn và manh động trong thời gian gần đây.
 
“Xử nghiêm lâm tặc manh động để kiểm lâm không còn phải đổ máu” - 1
Ông Nguyễn Huy Lợi trong buổi làm việc với PV Dân trí (ảnh: Ngân San)
 
Thời gian qua cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước, tại Hà Tĩnh, tình trạng lâm tặc chống trả, tấn công, trả thù kiểm lâm diễn ra rất phức tạp và có dấu hiệu gia tăng số lượng vụ việc. Ông có thể cho biết đâu là nguyên nhân chính của vấn đề?

Trước hết, tôi cho rằng nguyên nhân chính là do nhận thức kém hiểu biết pháp luật của những đối tượng vi phạm. Chính sự kém hiểu biết này nên các đối tượng này đã làm liều, suy nghĩ sai lệch cho rằng làm thế là để hăm dọa lực lượng kiểm lâm, nên đã gây ra nhiều vụ việc đáng tiếc.

Trong khi các đối tượng chống trả, tấn công kiểm lâm đầy tính côn đồ thì quá trình điều tra xác minh, xét xử các đối tượng này có phần chậm, và chưa bảo đảm tính nghiêm minh. Có những việc sờ sờ đấy rồi, nhưng cơ quan điều tra xử lý chậm, thiếu tính răn đe, giáo dục, tạo nguyên cớ cho nghi phạm “lờn”, xem thường luật pháp.

Tôi lấy ví dụ, việc xét xử đối tượng đã ném ly gây chấn thương đầu cho đồng chí Mận (Ông Nguyễn Xuân Mận nguyên Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hương Sơn - PV) là chưa nghiêm nếu thấy rằng đối tượng hành động rất hung hãn đối với người thi hành công vụ ngay tại công sở.

Lực lượng kiểm lâm không ngừng được trang bị hỗ trợ công cụ và quyền hạn, tuy nhiên, vì sao việc đối phó với lâm tặc tấn công, trả thù vẫn còn nhiều hạn chế?

Dù đã được nhà nước quan tâm, song từ thực trạng tại địa phương chúng tôi có thể khẳng định lực lượng kiểm lâm vừa thiếu lại vừa yếu.

Căn cứ theo nghị định 119 của Chính phủ quy định, mỗi cán bộ kiểm lâm theo dõi, quản lý 1.000 ha rừng. Chúng tôi có 302.000 ha rừng và đất lâm nghiệp thì đương nhiên phải có 302 cán bộ kiểm lâm, nhưng hiện chúng tôi mới có 245 cán bộ tính cả hợp đồng, đang thiếu gần 60 người.

Đã thiếu người, chúng tôi lại còn yếu về trang bị công cụ hỗ trợ, phương tiện làm nhiệm vụ. Về quyền hạn cũng còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, lực lượng cơ động chúng tôi được phát súng, nhưng ngay cả trong những trường hợp đối mặt với lâm tặc hung hãn tấn công lại không được bắn mà chỉ được bắn chỉ thiên hù doạ, cảnh cáo. Tất nhiên, không ai muốn bắn người cả, nhưng trong những trường hợp bị lâm tặc liều chết tấn công, cán bộ kiểm lâm rất khó xử lý.
 
Nhưng dư luận cho rằng, có những mối quan hệ giữa kiểm lâm và chủ đầu nậu đã góp phần tạo nên sự hung hãn của một bộ phận lâm tặc. Ông nghĩ sao về luồng dư luận này?

Lâu nay đối với ngành kiểm lâm, lãnh đạo rất quan tâm vấn đề này. Chúng tôi rất muốn có các chứng cứ để kỷ luật, thậm chí là sa thải bất cứ cán bộ nào có quan hệ với chủ đầu nậu. Thực tế chúng tôi đã làm rồi, bắt xe của lâm tặc về chúng tôi giam cho hết thời gian được phép giam giữ để xem trong quá trình đó họ có khai ra không, nhưng rất khó để tìm ra manh mối này. Đã có đường dây nóng nên cần sự tố giác của người dân. Nếu có thì chúng tôi xử lý ngay. Như năm 2007 chúng tôi đã kỷ luật đuổi khỏi ngành một cán bộ của Hạt kiểm lâm Hương Sơn về tội nhận hối lộ.

Để ngăn chặn thành công việc lâm tặc tấn công, trả thù kiểm lâm, theo ông cần phải có giải pháp gì?

Phải làm cho người dân, trong đó đặc biệt là người vi phạm, hiểu được pháp luật, hiểu được chủ trưởng quản lý và bảo vệ rừng. Có làm được điều đó mới không còn cảnh cán bộ kiểm lâm phải đổ máu vì lâm tặc. Tiếp đó, những đối tượng gây ra vụ việc chống người thi hành công vụ cần phải được xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội đủ để răn đe, giáo dục.

Ngoài ra cần phải trang bị hơn nữa công cụ hỗ trợ làm việc; tăng vai trò, quyền hạn nhiều hơn nữa cho lực lượng kiểm lâm. Tôi cho rằng nên chăng phải xem xét nghiêm túc chủ trương đã được đệ trình Quốc hội trước đây là lực lượng bảo vệ rừng có chức năng quyền hạn như một cảnh sát rừng.
 
Xin cảm ơn ông!

Văn Dũng (thực hiện)