1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tính tổ chức ngày càng rõ nét hơn ở các vụ án tham nhũng

(Dân trí) - Tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn; Tình trạng tặng quà, biếu xén để vụ lợi diễn ra khá phổ biến… Báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2015 có những nhận định rất mạnh mẽ…

Tham nhũng vẫn là nguy cơ gây mất ổn định

Báo cáo về kết quả phòng chống tham nhũng năm 2015 của Chính phủ gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 khẳng định công tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm qua.

Năm 2015 cơ quan thanh tra phát hiện 100 vụ với 172 đối tượng tham nhũng, trong khi đó bình quân mỗi năm giai đoạn 2011-2015 phát hiện 70 vụ, 104 người.

Năm 2015 thu hồi tài sản tham nhũng đạt 55,8% trong khi năm 2014 chỉ đạt 22,3%; năm 2013 đạt 10%; năm 2011-2012 đạt dưới 5%, báo cáo nêu con số cụ thể.

Nhận định chung về tình hình, Chính phủ cho biết, kết quả thống kê từ 19 bộ, ngành, địa phương thực hiện xong việc đánh giá tình hình tham nhũng năm 2015 cho thấy có 3 bộ, ngành, địa phương đánh giá tình hình tham nhũng trong phạm vi quản lý của mình là rất nghiêm trọng.

5 bộ, ngành, địa phương đánh giá là nghiêm trọng. 7 bộ, ngành, địa phương đánh giá là ít nghiêm trọng và 4 bộ, ngành, địa phương đánh giá là không nghiêm trọng.

Thanh tra Chính phủ cũng khái quát, đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực.

Qua kết quả phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn. Một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Một số vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài, phần nào ảnh hưởng đến nhìn nhận của quốc tế về tình hình tham nhũng ở Việt Nam.

“Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội” – báo cáo thể hiện.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh là người đại diện Chính phủ, thay mặt Thủ tướng ký trình Quốc hội báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2015.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh là người đại diện Chính phủ, thay mặt Thủ tướng ký trình Quốc hội báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2015.

Tặng quà, biếu xén phổ biến nhưng nộp lại quà tặng giảm mạnh

Về vấn đề nộp lại quà tặng, năm 2015, đến thời điểm Thanh tra Chính phủ tổng kết làm báo cáo gửi đến Quốc hội, có 23 người đã nộp lại quà tặng, với số tiền là 489 triệu đồng. Con số này tiếp tục giảm so với mức 32 trường hợp người nộp lại quà tặng năm 2014 (giảm 9 người) và 364 người năm 2013.

Đánh giá về xu hướng này, báo cáo viết, kết quả này cho thấy việc thực hiện quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng có tăng hơn những năm trước, nhưng vẫn còn hình thức trong khi tình trạng tặng quà, biếu xén để vụ lợi diễn ra khá phổ biến.

Các con số chứng minh cho tình trạng “khá phổ biến này” được rút từ khảo sát về xung đột lợi ích do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới thực hiện trong quý 2/2015 tại 512 doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân.

Theo đó có 48% doanh nghiệp được hỏi thừa nhận có tặng quà cho cán bộ, công chức trong khoảng thời gian 12 tháng gần đây, trong đó 82% là quà có giá trị trên 500.000 đồng.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy 88,6% tặng trực tiếp cho cán bộ, công chức; 46% tặng trước và trong khi đang giải quyết công việc của doanh nghiệp; 66% là nhằm mục đích giải quyết công việc của doanh nghiệp và 31% để “nuôi quan hệ”.

56% do doanh nghiệp chủ động tặng quà dù cán bộ, công chức không đòi hỏi hay gợi ý.

Về vấn đề xử lý trách nhiệm người đứng đầu, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2015 cũng đã có 46 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng đã bị xử lý trong đó 4 người bị xử lý hình sự (tăng một người so với năm 2014). 37 người bị xử lý kỷ luật với các hình thức cách chức, khiển trách, cảnh cáo, 5 người đang xem xét các hình thức xử lý.

Về vấn đề kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, Chính phủ cho biết, tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập trong năm đạt 99,5% (tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước). Số bản kê khai đã công khai đạt tỷ lệ 98,3% (tăng 8,8% so với cùng kỳ) .

Có 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập, tăng hơn nhiều so với 5 trường hợp được xác minh trong năm 2014, trong đó phát hiện 5 người kê khai không trung thực. Đã tiến hành xử lý kỷ luật 2 người .

Cụ thể, một trường hợp cán bộ ở Bộ GTVT bị kỷ luật khiển trách, một trường hợp tại tỉnh Thanh Hóa bị kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển sang vị trí công tác khác. Hiện còn hai trường hợp tại tỉnh Cà Mau và một trường hợp tại tỉnh Bình Thuận đang trong quá trình xem xét, xử lý.

Nhiệm vụ xây dựng đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn được Thanh tra Chính phủ đề cập với mốc thời gian, từ kỳ họp thứ 7 (giữa năm 2014), cơ quan này đã tham mưu cho Chính phủ trình UB Thường vụ Quốc hội đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn.

Việc trình Quốc hội văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã được Chính phủ chỉ đạo triển khai tích cực. Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành đề án, trình Chính phủ, đồng thời xây dựng dự thảo nghị quyết về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 của Quốc hội.

Chính phủ đã chỉ đạo việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, trên cơ sở đó xây dựng dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, trong đó có các quy định cụ thể về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, báo cáo nêu rõ.

Kết quả nói trên, theo Chính phủ  đã có tác dụng phòng ngừa, răn đe nhất định đối với tệ tham nhũng. Tuy nhiên, vẫn như nhiều báo cáo trước, tình hình tham nhũng được nhận định là vẫn diễn ra phức tạp.  Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền.

P.Thảo 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm