1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Tịnh ơi, em không chết”

Khi chiếc xe di quan đưa 7 thi hài của những ngư dân xấu số, thiệt mạng trong cơn bão số 1 từ Đà Nẵng về trụ sở UBND xã Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) để làm lễ truy điệu tập thể, trong đám đông bỗng vẳng lên tiếng gào: “Em không chết đâu! Tịnh ơi!”.

Một đoàn người nén lòng mấy hôm nay ở sân UBND xã đã ùa vào vây quanh những chiếc xe, gào thét, tức tưởi. Họ mở vội cửa xe nhảy lên ôm lấy quan tài khóc than thảm thiết. Trong vô số lời khóc than, chúng tôi nhận ra nhiều lời lẽ yêu thương của những người cùng chung con tàu với Tịnh trong cơn bão dữ nhưng may mắn thoát chết.

 

“Nếu thằng Tịnh không vì anh em, cứ ngồi yên trong tàu với tụi tui thì chừ nó đâu có chết. Giờ nó nằm im trong quan tài rồi, anh em bạn chài đi biển với nó mãi mãi không quên” - anh Trần Công Sĩ, người bạn chài cùng tàu ĐNa-90045 với Tịnh, kể trong tiếng thở dài, nuối tiếc.

 

Người ngư phủ 35 tuổi với hơn 10 năm lăn lộn giữa trùng khơi, từng dạn dày với bao tai ương nghiệt ngã này nói nghẹn ngào: “Mấy ngày nay số anh em còn lại trong tàu, dù cũng đã kiệt sức, vẫn khóc nhiều cho thằng Tịnh”.

 

Trong cơn bão dữ, Tịnh đã cùng anh em làm tất cả những gì có thể làm được để cứu nguy cho con tàu của mình. Là người trẻ và hay bông đùa nhất tàu, Tịnh đã luôn động viên đồng nghiệp, những bậc cha anh mình, cố vững tay chèo chống. Chiều 18/5, sau hơn mười giờ lồng lộn, cơn bão như muốn “nghỉ xả hơi”, anh em trong tàu nhận được tin qua bộ đàm con tàu ĐNa-90053 bị hỏng máy nặng.

 

“Tịnh ơi, em không chết” - 1

“Tịnh ơi sao con chết trẻ quá! Con có nghe dì và các em con gọi con không?”

Không thể để những người cùng số phận với mình đơn độc trong lúc hỏng máy, Tịnh đã xung phong cùng người thợ máy lấy thúng chai vượt qua một quãng biển khơi xám xịt để ứng cứu bạn chài. Anh Sĩ nói: “Tụi tui biết là anh em ở tàu “năm ba” (gọi theo số đuôi của con tàu) thấy Tịnh với thợ máy qua chắc là mừng lắm”. Sự “cấp cứu” đúng lúc của Tịnh và người thợ máy đã có hiệu quả tốt.

 

Sau đó, trong nỗi đợi trông khắc khoải của anh em, Tịnh đã được anh em của tàu “năm ba” đưa về lại tàu “bốn lăm” trên chiếc thúng chai. Nhưng, “ông trời ác quá, trong tầm nhìn, có lẽ chẳng còn bao xa nữa, tụi tui sẽ chồm người ra đón thằng Tịnh về lại tàu mình thì bất ngờ cơn bão lại lồng lên, dữ dội hơn trước đó. Tất cả anh em trên tàu đều nhắm mắt.

 

Có người lâm râm cầu khấn, xin bề trên che chở khi thấy một con sóng lớn chồm lên và nhấn chìm chiếc thúng chai của Tịnh. Ngay lập tức, tụi tui đưa tàu đến nơi Tịnh đang lâm nguy.

 

Hình ảnh cuối cùng tui còn nhớ là Tịnh đã lượn theo được ngọn sóng để bám vào chiếc thúng câu của tàu “năm ba”. Cứ tưởng nó sẽ cùng với anh em ở đó chống chọi với bão mà về với mẹ, ai dè...”. Anh Sĩ lắc đầu, khóe mắt đỏ hoe. Những cột sóng biển cao 3m đã nhấn chìm Tịnh cùng 31 người ở tàu “năm ba” xuống trùng khơi.

 

Chúng tôi đến thăm nhà Tịnh ở cuối thôn Hà Bình. Ngôi nhà mới còn nồng mùi vôi mới quét hồi tết. Hôm đó Tịnh đã khoe với mẹ: “Đây là số tiền con dành dụm sau mỗi chuyến ra khơi (bình quân chừng 2 triệu đồng) để trả nợ khoản tiền “làm lại cái nhà” cho mẹ ở”.

 

Mẹ Tịnh không còn khóc được nữa trước nỗi đau mất mát đứa con trai duy nhất vốn là chỗ dựa của bà suốt sáu năm nay khi bà lâm bệnh thần kinh tọa. Cả Hà Bình có đến 25 người chết và mất tích nhưng dường như Tịnh là người nhận được tiếc thương nhiều nhất. Có lẽ là do Tịnh đã hi sinh thân mình để cố cứu sống người khác.

 

“Tịnh ơi, em không chết” - 2

Người cậu ruột và bao người thân thương tiếc gào khóc bên xe chở  quan tài...

Anh Đặng Ngọc Thiện, hàng xóm của Tịnh, cũng từ vùng bão trở về, kể về Tịnh: “Nó khổ, nhưng có tình có nghĩa với bà con làng xóm, với anh em đi khơi lắm. Mất nó, mai đây tụi tui ra khơi lại buồn...”.

 

Chính Tịnh đã rủ anh em bạn chài góp công góp tiền giúp anh xây ngôi nhà cấp bốn dù bản thân Tịnh chưa trả xong nợ vay làm lại nhà cho mẹ. Mẹ Tịnh sụt sùi kể, ngày ra đi một tháng trước đây Tịnh đã hứa sẽ cố để về làm lại chái bếp “để mẹ khỏi phải hứng khói, đội mưa dột ướt cả người”.

 

Tịnh còn hứa cuối mùa câu mực này thế nào Tịnh cũng ráng sắm cái tivi để mẹ và sắp nhỏ trong xóm khỏi phải đi xem nhờ ở chỗ xa. Sống vì mẹ, vì bà con làng xóm, vì đồng nghiệp chính là tính cách của Tịnh dù cậu chỉ là một chàng trai mồ côi 21 tuổi. “Nó không có cha, mẹ nó “tự túc” sinh ra nó. Để có họ, mẹ nó lấy chữ Hà của thôn Hà Bình, còn tên Tịnh là lấy chữ Tịnh của thôn Bình Tịnh” - anh Thiện giải thích.

 

Rời nấm mộ trắng phau cát biển, rời làng chài nghèo đầy tóc tang giữa tiếng ru của những rặng phi lao, chúng tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng của những người ngư dân chân chất: “Em không chết mô! Tịnh ơi!”.

 

Theo Ngọc Mỹ, Trí Tú
Tuổi Trẻ