1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tình mẹ hậu phương tiếp sức người lính trên đường ra trận

(Dân trí) - Mẹ không sinh ra các anh nhưng mẹ chăm lo các anh từng ngụm nước trên đường hành quân đánh Mỹ, xua tan cơn khát trong những buổi huấn luyện giữa cái nắng chói chang miền Trung bỏng rát. Các anh ra đi mang theo tình mẹ nơi hậu phương…

Tình mẹ hậu phương tiếp sức người lính trên đường ra trận (bài để dành)
Những dòng cảm xúc và quyết tâm của người lính trước khi ra trận được ghi lại trong cuốn sổ nặng tình quân dân.

Quán nước quân dân

Bảo tàng Quân khu 4 có môt gian trưng bày riêng về những kỉ vật thể hiện nghĩa tình quân – dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tôi đặc biệt chú ý đến những cuốn sổ tay, những bức thư đã úa màu. “Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại Khu 4 có phong trào “Quán nước quân dân”. Tại các ngã ba, ngã tư đường, các mẹ, các chị mở các quán nước phục vụ chiến sỹ miễn phí. Tại các quán nước này có một cuốn sổ tay để các chiến sỹ để lại những cảm xúc của mình. Đây là tư liệu quý thể hiện nghĩa tình quân – dân vốn ít khi được nhắc đến”, đại úy Nguyễn Hữu Hoành – cán bộ tuyên truyền, trưng bày Bảo tàng Quân khu 4 chia sẻ.

Những cuốn sổ đã úa màu, nhiều đoạn mực đã bị mờ đi rất nhiều, nhiều trang bị mối mọt ăn nên không còn nguyên vẹn. Thế nhưng, mỗi trang giấy, mỗi dòng chữ nghuệch ngoạc đều thấm đẫm tình cảm của những người lính – những đứa con các mẹ không mang nặng đẻ đau nhưng yêu thương đến cạn lòng. Bên cạnh lòng biết ơn còn là lời hứa đanh thép: quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ đến cùng.

Tình mẹ hậu phương tiếp sức người lính trên đường ra trận (bài để dành)
Lời quyết tâm của người lính khi được tiếp thêm sức mạnh từ quán nước quân dân của mẹ Tâm, mẹ Nguyệt.

Quán nước mẹ Nguyệt, mẹ Tam được mở ngay tại dốc Tuần (xã Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Những năm cuối 1971, đầu 1972, đây cũng là địa điểm huấn luyện tân binh để bổ sung cho chiến trường. Cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc đang quyết liệt hơn bao giờ hết, những tân binh này cũng được gấp rút luyện tập để bổ sung cho chiến trường Miền Nam.

Quán nước của hai mẹ là chỗ dừng chân, là một phút nghỉ ngơi giữa những buổi luyện tập của những thanh niên vừa rời xa gia đình ra đi vì nghĩa lớn. Rời vòng tay yêu thương, bao bọc của cha, của mẹ, họ được những người mẹ hậu phương chăm sóc từng ngụm nước mát, bằng những quan tâm nhỏ nhặt nhất. Những tình cảm tốt đẹp, tình yêu thương của các bà mẹ hậu phương đã gieo vào lòng những người lính trẻ sự ấm áp, giúp họ có thêm quyết tâm ra trận giết giặc lập công.

“Nay qua Tuần, bát nước chè xanh đượm tình cá nước đã thôi thúc chúng con hãy hăng say luyện tập giỏi – quyết tâm cao, chờ tiếng gọi của quê hương, Tổ quốc lên đường xẻ dọc Trường Sơn vào Nam diệt Mỹ. Nguyện chiến đấu quên mình vì nhân dân”, một người lính tên H. Đường ghi trong cuốn sổ của mẹ Tam, mẹ Nguyệt vào ngày 24/9/1971.

Mẹ ơi trong buổi hành quân/ Mồ hôi ướt áo, bàn chân mỏi nhừ/ Đường xa con có quản chi/… Chè xanh bốc khói hương nồng/ Con đây nhớ mãi trong lòng mẹ ơi/ Mẹ già nhưng mắt sáng ngời/ Nồng nàn đón tiếp những người chúng con/ Tấm lòng tình nghĩa sắt son…/ Con ra tiền tuyến diệt thù/ Ngày mai đất nước sương mù mây tan”, người lính có tên Nguyễn Ngọc Cầu, hòm thư 6293365B05 đã cảm tác thành những câu thơ khi một lần được uống bát nước chè xanh của người mẹ xứ Nghệ.

Tình thương yêu, sự động viên, quan tâm thiết thực của các mẹ ở những quán nước quân dân trở thành động lực để các anh chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. “…Chúng con không biết lấy gì để đền đáp lại tấm lòng quý giá đó. Chúng con chỉ biết quyết tâm đánh đế quốc Mỹ đến cùng. Các mẹ hãy chờ tin chiến thắng của các con sau này”, một người lính viết.

Quyết tâm này cũng được người lính có tên Trần Anh Dũng (C26-K7) thay mặt anh em đơn vị ghi lại trong một lần dừng chân tại quán nước của 2 mẹ khi trên đường đi nhận gạo. “Các con xin hứa đánh tan giặc Mỹ mới trở về quê hương”, Trần Anh Dũng viết.

Những bức thư gửi mẹ Tròn

Mẹ Tròn quê ở xã Cẩm Tiến, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Những năm Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại Miền Bắc, quê mẹ là nơi đơn vị pháo cao xạ huấn luyện và chiến đấu. Nhà của mẹ cũng chính là nơi ở của những người lính cao xạ này.

Cái thủa đói lay lắt năm này qua năm khác ấy, mẹ đã dồn tất cả những tình yêu, những củ khoai, củ sắn của mình để các anh có sức luyện tập, chiến đấu. Các anh đi rồi, mẹ không quản ngại đường xa, hiểm nguy tìm đến thăm và động viên. Nếu không đi được, mẹ viết thư gửi đến. Tình cảm của mẹ Tròn và biết bao nhiêu người mẹ hậu phương ấy đã để lại những ký ức tốt đẹp, trở thành động lực để những người lính chiến đấu và chiến thắng quân thù.

Những dòng lưu bút của người lính cao xạ trong cuốn sổ lưu niệm của mẹ Tròn.
Những dòng lưu bút của người lính cao xạ trong cuốn sổ lưu niệm của mẹ Tròn.

Những người lính cao xạ đã để lại rất nhiều dòng cảm xúc đối với mẹ Tròn trong cuốn sổ tay nhỏ. Những dòng tâm sự, lòng kính trọng, biết ơn người mẹ “không có công sinh ra con nhưng đã cho con nhiều tình cảm ấm áp trên đường ra trận giết giặc giải phóng quê hương”. Các anh đi xa, gửi về cho mẹ những tấm ảnh nhỏ. Hiện nay, những tấm ảnh của những người lính trẻ măng nhưng đầy nhiệt huyết và tình yêu Tổ quốc đã được gia đình mẹ trao lại cho Bảo tàng Quân khu 4.

Xa mẹ, xa quê hương, các anh đã gửi thư về. Những lá thư thấm đẫm tình cảm của người con nơi tiền tuyến dành cho người mẹ hậu phương. “Mỗi lần nghĩ là biết bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Những kỉ niệm đó không thể nào quên được….., càng nhớ, càng thương mẹ hiu quạnh chốn lều tranh khi đêm hôm gió rét lạnh lùng… Biết đến khi nào mẹ được thanh nhàn. Con thương mẹ bao nỗi niềm thương nhớ nhưng lòng con phải cất đi để ra đi chống Mỹ cứu nước.

Biết bao nhiêu mùa trăng tròn rồi lại khuyết, hết mùa thu sang hạ, mùa đông mà con vẫn chưa về gặp mẹ. Mẹ chắc năm nay tóc bạc hoa râm thay màu rồi nhưng cứ vẫn một lòng thương yêu….”, bức thư của một người lính cao xạ khi chuyển về đóng quân tại Nghĩa Mỹ (Nghĩa Đàn, Nghệ An) đã viết gửi mẹ Tròn.

Với những người mẹ hậu phương như mẹ Tròn, các anh có thể trải lòng như đối vợ mẹ ruột. Những tình cảm mẹ con mộc mạc nhưng hết sức lớn lao, đẹp đẽ. “Mẹ ở nhà có khỏe không… Bản thân con hồi này không được khỏe như hồi xưa. Thỉnh thoảng bị ngấy sốt, đuối sức, làm việc không được nhiều, ăn kém hơn trước. Con đang cố gắng đấu tranh với bệnh tật để giữ gìn sức khỏe, tiếp tục đi làm nhiệm vụ chiến đấu.

… Mẹ ơi, biết đến khi nào con về thăm mẹ được. Ngày ấy cũng chẳng còn xa, nhưng tình cảm mẹ con thúc dục, mong chờ cảm thấy nó dài lâu quá. Nhưng dù hoàn cảnh nào, sự xa cách không làm giảm nhẹ tình sâu nghĩa nặng giữa mẹ con ta mẹ nhé. Dù đi đến phương trời góc bể nào, tuy không phải là hòn máu mẹ mang nặng đẻ đau con vẫn luôn luôn nhớ tới mẹ - người me của tâm hồn con, người mẹ mà con quý mến như người mẹ đã nuôi con từ lúc con lọt lòng đến khi con khôn lớn… Con sẽ về thăm mẹ”, bức thư kí tên Lương – Chung viết ngày 11/4/1969.

Bức ảnh của những người lính cao xạ gửi cho mẹ Tròn - người mẹ hậu phương của họ.
Bức ảnh của những người lính cao xạ gửi cho mẹ Tròn - người mẹ hậu phương của họ.

Có lẽ, tình yêu của những người mẹ như mẹ Tròn, mẹ Nguyệt, mẹ Tam và biết bao người mẹ hậu phương khác đã trờ thành động lực to lớn giúp người lính vượt mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy và hi sinh để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm