Tính khả năng làm đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sau năm 2030
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tổ chức thẩm định báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, xem xét kỹ lưỡng về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư; làm rõ khả năng cân đối nguồn lực, cân nhắc nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án giao thông lớn; tính khả năng giãn lùi dự án vào giai đoạn sau 2030…
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về phương án nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Hành lang Bắc - Nam kết nối 2 trung tâm kinh tế, chính trị lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 20 tỉnh/thành phố (chiếm 61% GDP cả nước), có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, thể hiện ý nguyện dân tộc về sự thống nhất của đất nước. Việc kết nối đồng bộ trên hành lang Bắc - Nam, đặc biệt là kết nối về hạ tầng giao thông có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Trong những năm qua, các phương thức vận tải trên hành lang Bắc - Nam chưa được khai thác và kết nối một cách cân đối, đồng bộ (vận tải đường bộ, hàng không quá tải, vận tải đường thủy chưa phát huy được hiệu quả vốn có, vận tải đường sắt lạc hậu..) dẫn đến chi phí vận tải tăng cao, báo động về tình trạng ô nhiễm môi trường và gia tăng tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại và chất lượng cuộc sống của người dân.
Dự báo nhu cầu vận tải cho thấy trong tương lai năng lực vận tải trên hành lang Bắc - Nam sẽ thiếu hụt lớn nếu chỉ đầu tư vào vận tải đường bộ, hàng không và đường biển theo quy hoạch; để phân bố lại nhu cầu vận tải trên toàn tuyến và bù đắp năng lực thiếu hụt nêu trên cần có một phương thức vận tải mới với độ an toàn tin cậy cao, sức chuyên chở hành khách lớn, tốc độ nhanh, thân thiện với môi trường.
Phương thức vận tải này phải đáp ứng yêu cầu về khả năng kết nối hài hòa giữa các loại hình vận tải; thúc đẩy quá trình tái cấu trúc đô thị và phân bố lại dân cư, lao động trên hành lang Bắc - Nam; mang lại cơ hội đầu tư, phát triển các ngành sản xuất, công nghiệp, dịch vụ, du lịch và góp phần giải quyết nhu cầu việc làm; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do vậy, việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được xác định là hết sức cần thiết.
Thực hiện các chủ trương về đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao tại Kết luận số 27-KL/TW ngày 17 tháng 9 năm 2008 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Luật Đường sắt số 06/2017/QH14, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước nghiên cứu, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà kinh tế và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cơ bản hoàn thành quá trình nghiên cứu Dự án.
Tuy nhiên, đây là dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, khối lượng bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn và đi qua nhiều địa phương trên hành lang Bắc - Nam nên quá trình chuẩn bị đầu tư Dự án cần phải được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để tạo sự đồng thuận cao của Chính phủ, Trung ương, Quốc hội và người dân. Dự án phải được trình Hội đồng thẩm định Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ thông qua để xem xét, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Trong thời gian qua Bộ Giao thông vận tải và các tổ chức tư vấn đã nỗ lực thực hiện việc nghiên cứu dự án; đã xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và người dân để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn những ý kiến khác nhau về kết quả nghiên cứu phương án đầu tư, đặc biệt là việc xác định giai đoạn đầu tư Dự án.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trên cơ sở hồ sơ Dự án đã được hoàn thiện, Hội đồng thẩm định Nhà nước sau khi thành lập tổ chức thẩm định theo quy định, xem xét kỹ lưỡng về sự cần thiết đầu tư, hiệu quả kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh; làm rõ khả năng cân đối nguồn lực đầu tư Dự án trong giai đoạn 2021 - 2030, đặc biệt là cân nhắc nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án giao thông lớn (như đường bộ cao tốc, hệ thống cảng hàng không, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có và các hạ tầng giao thông khác) hoặc đề xuất đầu tư Dự án giai đoạn sau năm 2030 để cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển theo từng giai đoạn cho phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét để báo cáo các cấp thẩm quyền theo quy định.
Bộ Giao thông vận tải tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và người dân, thu thập thêm kinh nghiệm các nước đã và đang phát triển đường sắt tốc độ cao để có đủ cơ sở hoàn thiện dự án và tạo sự đồng thuận cao đối với việc đầu tư Dự án theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 409/TB-VPCP ngày 24 tháng 10 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ.
P.Thảo