1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tín hiệu từ 200 chuyến bay chở khách và sự "sống còn" của ngành hàng không

(Dân trí) - Cuộc "phá băng" đường hàng không chở khách thương mại nội địa đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Sau 7 ngày thí điểm, trong số 300 chuyến bay theo kế hoạch thì đã có 200 chuyến bay cất cánh.

Tại buổi tọa đàm "Mở cửa hàng không, khơi thông đường bộ" do Báo Dân trí tổ chức ngày 18/10, chuyên gia hàng không, đại diện các hãng vận tải hàng không đã đề xuất nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn trong phục hồi vận tải, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới.

Đường hàng không được "phá băng"

Ông Phạm Văn Hảo - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ban ngành liên quan, ngành hàng không đã thực hiện kế hoạch thí điểm theo hướng mục tiêu kép, vừa đảm bảo chống dịch vừa duy trì giao thông để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và khởi sự lại kinh tế, thống nhất quan điểm hàng không đi trước, mở đường khơi thông "mạch máu" cho đất nước.

Sau 7 ngày triển khai thí điểm giai đoạn 1, cuộc "phá băng" đường hàng không chở khách thương mại nội địa sau gần 3 tháng gián đoạn đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Trong 300 chuyến bay theo kế hoạch, đã có 200 chuyến bay cất cánh, đạt 60%.

Tín hiệu từ 200 chuyến bay chở khách và sự sống còn của ngành hàng không - 1

Ông Phạm Văn Hảo - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Ảnh: Đỗ Linh).

Theo lãnh đạo Cục Hàng không, việc phối hợp với địa phương nhìn chung thuận lợi, tuy nhiên tình trạng chậm tiếp nhận thông tin ở một số địa phương phần nào gây khó khăn cho công tác vận chuyển hành khách từ sân bay về nơi lưu trú về địa phương. Các quy định phòng dịch ở địa phương cũng ảnh hưởng nhất định đến tâm lý hành khách song điều này sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Bàn về hoạt động khai thác khi thí điểm "mở cửa bầu trời" và mục tiêu khai thác các điểm đến chiến lược, ông Nguyễn Ngọc Trọng - Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways - khẳng định kết nối mọi miền đất nước, cũng như kết nối các điểm bay tại Việt Nam với thế giới để thúc đẩy giao thương, thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế là một trong những mục tiêu phát triển chiến lược của hãng. Tận dụng thời gian dịch bệnh, hãng đánh giá "trong nguy có cơ" và xác định đây là cơ hội để đẩy mạnh nội lực và xây dựng kế hoạch phát triển các đường bay nội địa song song với các đường bay thế giới ngay khi điều kiện cho phép.

Đánh giá hiệu quả của đường bay ngách và đường bay trục, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways nhìn nhận đường bay nào cũng phải hiệu quả thì hãng hàng không mới có chiến lược hoạt động lâu dài.

"Năm 2020 hãng đã triển khai thành công các đường bay kết nối trung tâm kinh tế, xã hội lớn của miền Bắc với Côn Đảo. Năm nay, bên cạnh đường bay Hà Nội - Điện Biên khai trương từ ngày 14/10, đường bay TPHCM - Điện Biên khai thác từ 15/11, hãng dự kiến sẽ mở thêm các đường bay kết nối Kiên Giang và Cà Mau trong thời gian tới. Đối với đường bay quốc tế, hãng đã có sự chuẩn bị rõ ràng để thực hiện các chuyến bay đưa khách bay quốc tế và đưa khách quốc tế đến Việt Nam ngay khi điều kiện cho phép" - ông Trọng dẫn chứng.

Cơ hội mở rộng các đường bay

Đánh giá về mức độ an toàn của "hành lang xanh" trong tình hình mới, khi độ mở của ngành hàng không được quan tâm đặc biệt và số lượng hành khách tăng lên, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài - cho biết, công tác phòng chống dịch của ngành hàng không từ trước tới nay luôn được chú trọng. Thực tế cho thấy sự cố gắng của các đơn vị liên quan nhằm đảm bảo an toàn, cũng như tạo sự tin tưởng cho hành khách và cán bộ, nhân viên ở tuyến đầu.

Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã triển khai hệ thống kiểm soát nội bộ, trang bị thiết bị phòng chống dịch theo quy định, hệ thống kiểm soát thân nhiệt tự động và tổ chức xét nghiệm kháng nguyên tại khu vực nhà ga; tiến hành phun khử khuẩn thường xuyên; tuyên truyền cho hành khách thông qua hệ thống phát thanh, áp phích, website, phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông; hỗ trợ công tác truy vết thông qua dữ liệu ghi nhận từ 2.000 camera giám sát đặt tại cảng; xây dựng quy trình cách ly và xử lý theo đúng quy định…

Tín hiệu từ 200 chuyến bay chở khách và sự sống còn của ngành hàng không - 2

Ông Nguyễn Ngọc Trọng - Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways.

Giữa bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết trong giai đoạn này hãng cũng như nhiều hãng vận tải hành khách sẽ quan tâm đến các mục tiêu cao hơn như chung tay cùng cả nước khôi phục nền kinh tế, doanh thu chỉ là một trong những yếu tố cần cân nhắc.

"Đến năm 2022, khi độ phủ về vaccine đủ lớn, người dân ý thức thực hiện quy định 5K, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động, trở lại kế hoạch phát triển. Đối với hành khách, chúng tôi có hệ sinh thái nghỉ dưỡng trọn vẹn ở khắp ba miền đất nước và sẽ tận dụng lợi thế này để xây dựng chính sách về giá vé và các gói sản phẩm dịch vụ phù hợp nhất" - ông Nguyễn Ngọc Trọng chia sẻ.

Trong khi đó, ông Trịnh Hồng Quang -  Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - đánh giá việc mở đường bay thí điểm là cơ hội để các hãng hàng không chứng minh khả năng thích ứng trong giai đoạn dịch bệnh và thực tế các hãng đều đã thực hiện tốt vai trò của mình với các chuyến bay an toàn tuyệt đối. Hãng đề xuất Chính phủ, các bộ ban ngành và địa phương mạnh dạn mở cửa để phục vụ nhiều hành khách hơn; đồng thời triển khai chuyển đổi số để công nghệ hỗ trợ hành khách.

Với vai trò lãnh đạo Cục phụ trách trực tiếp khai thác cảng và cùng các địa phương họp bàn tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp nhận chuyến bay, ông Phạm Văn Hảo cho biết Cục đã có kế hoạch khoanh vùng lưu trú hành khách; thống nhất phương án tổ chức đưa đón hành khách về địa phương… Việc kết nối thông tin được duy trì liên tục, các vấn đề phát sinh cũng được trao đổi để xử lý nhanh chóng và rút kinh nghiệm.

Nhận định "bay thương mại mới là sống còn", lãnh đạo Cục Hàng không một lần nữa đánh giá vai trò quan trọng của giao thông, trong đó có đường không và hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự đồng tình của các cấp, các ngành để vượt qua khó khăn và bước sang thời kỳ mới với mục tiêu vừa thích ứng an toàn, vừa chủ động phòng chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

Theo ông Hảo, trong giai đoạn 2 (từ 21/10 đến hết tháng 11), Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không đang xem xét việc tăng tần suất khai thác, bỏ quy định giãn cách trên tàu bay, giảm bớt quy trình thủ tục để tạo điều kiện khơi thông hoạt động hàng không, không để ngắt quãng dòng chảy huyết mạch giao thông.