1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tìm phương án giảm thiệt hại rừng ở cao tốc Nha Trang - Đà Lạt

Minh Hậu

(Dân trí) - Tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt giúp giảm thời gian di chuyển giữa 2 địa phương từ 3 giờ xuống 1 giờ. Tuy nhiên, dự án ảnh hưởng đến 409ha đất lâm nghiệp.

Di chuyển Nha Trang - Đà Lạt chỉ mất một giờ

Chiều 4/9, tại thành phố Đà Lạt, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về các dự án cao tốc ở địa phương.

Báo cáo Phó Thủ tướng và đoàn công tác, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có điểm đầu tại Km0+00 giao với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa); điểm cuối tại Km81+500, ngã ba Đarahoa (phường 12, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng).

Tìm phương án giảm thiệt hại rừng ở cao tốc Nha Trang - Đà Lạt - 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: Minh Hậu).

Tổng chiều dài cao tốc khoảng 81,5km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Khánh Hòa khoảng 44km và Lâm Đồng khoảng 37,5km.

Theo ông Trần Hòa Nam, dự án cao tốc này ảnh hưởng đến 409ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng 92ha, rừng phòng hộ 188ha, rừng sản xuất 129ha.

Để giảm thiểu thiệt hại rừng, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đề xuất thực hiện giải pháp xây cầu cạn, tường chắn, cầu đúc, hầm… để giảm diện tích rừng bị ảnh hưởng. Với phương pháp này, dự án có thể giảm 30% diện tích rừng bị ảnh hưởng, tương đương 125ha.

Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, cho biết đây là dự án rất ý nghĩa, rút ngắn thời gian di chuyển Nha Trang - Đà Lạt từ 3 giờ còn 1 giờ. Theo ông Hải, do tuyến đường ảnh hưởng đến rừng, phức tạp nên nhà đầu tư này tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các phương án tốt nhất.

Đối với dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt, UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai xây dựng trước năm 2030; chấp thuận phương án nhà nước hỗ trợ 70% vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; giao UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan thẩm quyền để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Tìm phương án giảm thiệt hại rừng ở cao tốc Nha Trang - Đà Lạt - 2

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc (Ảnh: Minh Hậu).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị chính quyền tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Khánh Hòa và các đơn vị liên quan đồng hành trong việc triển khai dự án; tính toán kỹ các yếu tố kỹ thuật và đưa ra giải pháp thi công an toàn vì dự án có sự chênh lệch độ cao lớn.

Về mặt pháp lý, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp nhận hồ sơ, thủ tục báo cáo Thủ Tướng, trình Quốc hội. Cùng với đó, Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn Sơn Hải tính toán kỹ hơn về phương án tài chính.

2 dự án gặp khó về vốn, quy hoạch khoáng sản

Đối với 2 dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết địa phương đang khó khăn về vốn và vướng vào quy hoạch khoáng sản.

Nguồn vốn nhà nước tham gia dự án thấp, không áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu nên tính khả thi dự án không cao, giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng cho vay vốn.

Tìm phương án giảm thiệt hại rừng ở cao tốc Nha Trang - Đà Lạt - 3

Ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Minh Hậu).

Hai dự án cao tốc này chồng lấn với quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng) với diện tích trên 224ha. Các khu tái định cư cho 2 dự án cũng vướng với quy hoạch khoáng sản.

Ông Trần Hồng Thái kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung vốn ngân sách nhà nước cho dự án Tân Phú - Bảo Lộc là 2.410 tỷ đồng; Bảo Lộc - Liên Khương là 922 tỷ đồng. Đồng thời cho phép dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm. 

"Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, trữ lượng khoáng sản (bauxit) trên diện tích chồng lấn với quy hoạch khoáng sản quốc gia là không lớn. Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho phép Lâm Đồng tiếp tục triển khai 2 dự án theo hướng tuyến đã khảo sát", ông Trần Hồng Thái nói.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận điều chỉnh phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng cho dự án để bố trí cho UBND tỉnh Đồng Nai 420 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và Lâm Đồng 1.580 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định cơ sở quan trọng trong việc thay đổi một số hạng mục, giữ cam kết về tổng mức đầu tư. Đề nghị Bộ Tài chính có hướng xử lý, hình thành liên danh các ngân hàng nhằm hỗ trợ vốn chủ đầu tư.  

Đối với việc vướng quy hoạch khoáng sản, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Lâm Đồng và các nhà đầu tư báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về phương án xử lý nếu quá trình thực hiện dự án gặp khoáng sản.