1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Tìm phương án bảo vệ tấm bia quý gần 200 năm tuổi

(Dân trí) - Một tấm bia quý khắc bài thơ “Thiết cảng” của Vua Thiệu Trị đã gần 200 năm tuổi, đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” khi Dự án Quốc lộ 1A mở rộng được thi công tại huyện Diễn Châu, Nghệ An.

Tìm phương án bảo vệ tấm bia quý gần 200 năm tuổi

Tấm văn bia "Thiết cảng" do vua Thiệu Trị ngự chế

Tấm bia ngự chế của vua Thiệu Trị

Trên Quốc lộ 1A đoạn thuộc địa phận xã Diễn An, huyện Diễn Châu (Nghệ An) có tấm văn bia “Thiết cảng” (Kênh Sắt) được viết bằng chữ Hán do Đức Hiến Tổ chương Hoàng đế ngự chế được dựng lên từ giữa thế kỷ 19. Theo sử sách chép lại, vào cuối năm 1842, sau khi hoàn thành lễ thụ phong tại Hà Nội, Vua Thiệu Trị - vị vua thứ 3 của triều Nguyễn cùng quần thần trở về kinh đô Huế. Khi đi qua con kênh Sắt thuộc địa phận xã Diễn An, nhà vua đã ngự chế bài thơ “Thiết cảng” ca ngợi phong cảnh hữu tình cũng như nhắc lại sự tích kì bí liên quan đến sự ra đời của dòng kênh này. Bài thơ đã được khắc trên bia đá đặt tại bờ Đông con kênh Sắt tại xã Tập Phúc, huyện Đông Thành nay là xã Diễn An.

Tấm bia nằm dưới chân núi Sở, cách mép QL 1A chỉ khoảng 10m. Trước đây, tấm bia bị cây gai um tùm bao phủ toàn bộ nên không mấy ai biết đến sự có mặt của nó. Nhưng cũng nhờ đó mà văn bia được “bảo vệ” kĩ càng, tránh được sự bào mòn của mưa nắng. Năm 2007, nhà nghiên cứu Hán Nôm Thái Huy Bích và Trần Đình Vân trong một chuyến điền dã đã phát quang vùng đất và phát hiện ra tấm văn bia này.

Tấm bia có khổ 63 x 106cm, trán bia hình bán nguyệt khắc đầu rồng, xung quanh là hình các đám mây vân vũ. Viền bia chạm hoa lá trông rất uyển chuyển và thanh thoát. Đế bia hình chữ nhật bằng phẳng. Tất cả đều mang dấu ấn đậm nét của văn bia thời Nguyễn sơ. Không giống như các văn bia chữ Hán khác, lòng bia “Thiết cảng” khắc một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật xen lẫn với lời chú thích về các sự kiện có liên quan. Phần thơ được khắc cỡ chữ to còn phần chú khắc chữ nhỏ.

Phần đầu gồm 2 cầu đề và 2 câu thực, tiếp theo sau là lời chú thích về sự tích hình thành cũng như nguồn gốc tên gọi con kênh Sắt. Phần 2 là 2 câu luận và lời chú về hiện trạng con kênh. Phần 3 là 2 câu kết và câu cuối của phần chú thích. Phần cuối cùng ghi thời gian lập văn bia vào ngày tốt tháng Chạp niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 (Thiệu trị nhị niên thập nhị nguyệt cát nhật) và câu chú cho biết văn bia do chính tay vua Thiệu Trị soạn (Ngự chế thi nhất thủ). Tất cả văn bia gồm 14 dòng, 286 chữ.

Tìm phương án bảo vệ tấm bia quý gần 200 năm tuổi
Để bảo vệ tấm văn bia quý này, đơn vị thi công đã phải dừng các hoạt động giải phóng mặt bằng đoạn đường này

Trải qua 170 năm, tấm văn bia đã chứng kiến bao sự thăng trầm thay đổi của con kênh Sắt cũng như con đường thiên lý Bắc - Nam. Đây là một văn bia có giá trị về văn học cũng như lịch sử, lại là tác phẩm ngự chế của vị vua nổi tiếng triều Nguyễn nên được giới nghiên cứu rất quan tâm. Văn bia này đã được ghi chép trong cuốn Văn khắc Hán Nôm Việt Nam Văn bia Nghệ An cũng như được Câu lạc bộ Hán Nôm Nghệ An biên dịch và giới thiệu trên nhiều tạp chí chuyên ngành khác.

Nguy cơ biến mất tấm văn bia

Trong thời gian qua, Bộ GTVT thực hiện dự án mở rộng và nâng cấp QL1A đoạn qua Thanh Hóa - Hà Tĩnh, dự án này do Công ty CP xây dựng Trung Đức thi công. Theo kế hoạch, đoạn đường này sẽ được mở rộng ra 2 bên với quy mô thiết kế 4 làn xe có dải phân cách. Ngoài ra, toàn tuyến còn được xây dựng cả đèn cao áp, cây xanh và vỉa hè. Chính vì vậy vùng đất nơi đặt tấm bia hiện nay sẽ phải san phẳng.

Giữa tháng 10/2011, đội thi công đã san ủi sát tới phần đất có tấm bia. Anh Trần Mạnh Thắng, Chỉ huy trưởng phân đoạn thi công km 432+930 - km 434+445,76 cho biết: “Mặc dù chưa biết rõ về nguồn gốc cũng như nội dung tấm bia nhưng nhận thấy đây là một di sản có giá trị nên chúng tôi đã cho khoanh vùng và thông báo cho đội thi công phải giữ gìn nguyên hiện trạng tấm bia cổ này”.

Tìm phương án bảo vệ tấm bia quý gần 200 năm tuổi
Để việc thực hiện dự án nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A đúng tiến độ và bảo vệ tấm văn bia này rất cần sự quan tâm, phối hợp của các ngành chức năng

Hiện nay, toàn bộ dọc 2 bên đường đã được san ủi mở rộng. Riêng phần đất có tấm bia đang được trừ lại và chờ phương án di chuyển và bảo vệ. Anh Thắng cho biết thêm: “Đội thi công rất muốn phối hợp với các ban ngành có liên quan để đưa ra quyết định về việc bảo vệ cũng như di chuyển tấm bia tới một địa điểm thích hợp khác. Như vậy vừa bảo vệ được tấm bia cổ, vừa đảm bảo tiến độ thi công công trình”.

Việc di dời tấm bia này là việc làm đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên có liên quan. Theo nhà nghiên cứu Hán Nôm Bùi Văn Chất, tấm bia nên được chuyển lên phía trên vị trí hiện nay và vẫn có hướng ngoảnh mặt ra QL1A như hiện tại. Tuy nhiên cần tính toán khoảng cách di chuyển hợp lý để tấm bia vẫn giữ nguyên được giá trị lịch sử cũng như giá trị văn hóa của nó đối với dòng kênh Sắt này. Việc cần thiết nữa là phải xây dựng nhà bia che chắn cũng như in ấn phần dẫn tích về nội dung văn bia để mọi người ai cũng có thể hiểu rõ. Qua đó tuyên truyền và nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ di tích quý báu này.

Trần Tử Quang