Tìm giải pháp tốt nhất, nhanh nhất lấy nước sông Hồng "cứu" sông Tô Lịch
(Dân trí) - Các sở, ngành của Hà Nội sẽ làm việc với Cục Đê điều (Bộ NN&PTNN) để xác định vị trí chính xác và các biện pháp kỹ thuật để làm đường ống dẫn nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch.
Sáng 4/12, phát biểu tại hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng đã nói về giải pháp xử lý ô nhiễm các dòng sông trên địa bàn thành phố.
Liên quan đến vấn đề cải thiện môi trường và làm sạch sông Tô Lịch, ông Phong cho biết, Sở Xây dựng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các ban ngành, quận huyện liên quan khảo sát vị trí hệ thống bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch.
Theo ông Phong, các sở ngành của TP Hà Nội sẽ làm việc với Cục Đê điều để tìm giải pháp kỹ thuật cũng như vị trí làm đường ống dẫn nước từ sông Hồng vào hồ Tây.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội đưa ra giải pháp khoan kích ngầm qua đê để làm đường ống dẫn nước sông Hồng vào hồ Tây. Tuy nhiên, theo ông Phong, Bộ NN&PTNT không đồng ý với phương án này.
"Qua trao đổi, Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đề nghị đầu tư tuyến cống hộp bê tông cốt thép đoạn cắt qua đê sông Hồng để đặt đường ống dẫn nước. Thứ 5 tuần này, các sở ngành của thành phố sẽ làm việc với Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai để đưa ra giải pháp kỹ thuật tốt nhất, nhanh nhất", ông Phong nói.
Trước đó, ngày 2/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đi kiểm tra tiến độ dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá và thực hiện các biện pháp làm sạch sông Tô Lịch.
Đối với công tác bổ cập nước từ hồ Tây về sông Tô Lịch, ông Thanh cho biết lãnh đạo thành phố đã quyết định triển khai dự án khẩn cấp; giao Sở Xây dựng chủ trì với các sở, ngành, ban quản lý dự án và các địa phương đẩy nhanh tiến độ dự án.
Chủ tịch Hà Nội đưa ra thời hạn 3 tháng thực hiện thủ tục và 6 tháng thi công hệ thống dẫn nước từ sông Hồng bổ cập vào hồ Tây để tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch.
"Trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện như thế nào, đến 2/9/2025 phải hoàn thành công trình. Trong quá trình thực hiện phải đặc biệt chú ý phương án bảo vệ môi trường sinh thái, hệ sinh thái hồ Tây", ông Thanh yêu cầu.