1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tìm được gia đình sau 12 năm lưu lạc

Nghe nhận xét giọng mình giống người Phú Xuyên, Hà Tây, Thích đạp xe 40 km đến đó, gặp ai cũng hỏi “ngôi làng có mẹ tên Các, có trường mẫu giáo với cô giáo tên Ly”, nhưng mọi người đều lắc đầu.

Vào dịp nghỉ hè cách đây tròn 12 năm, cậu bé Lê Văn Thích 8 tuổi (người xã Quang Minh, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc) được chú đưa lên Hà Nội chơi. Hai chú cháu vào công viên Thủ Lệ. Lúc ra về, Thích bỏ quên túi quần áo trên ghế đá nên dặn chú chờ ở cầu để quay lại lấy, nhưng khi trở ra thì không còn thấy chú đâu nữa. Thích hoảng hốt chạy đi tìm nhưng đâu đâu cũng toàn người xa lạ. Sợ hãi, cậu bé lang thang từ sáng đến chiều, khóc đến khản cả tiếng rồi thiếp đi dưới gốc cây xà cừ.

 

Khi cậu bé tỉnh dậy thì trời đã tối. Thích thấy mình đang ở trong quán nước, được một người phụ nữ chăm sóc. Ngay trong đêm ấy, một chú công an đến dỗ dành Thích, bảo sẽ đưa em về nhà. Cậu bé nín khóc và ngoan ngoãn nghe theo.

 

“Sau này em mới biết là mình được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội 1, Đông Anh, Hà Nội”, Thích nhớ lại. Rồi em được chuyển lên Trung tâm Bảo trợ xã hội 4 ở Ba Vì, Hà Tây.

 

Những ngày đầu ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 4, Thích khóc không ngớt, lúc nào cũng đòi: “Mẹ ơi, con muốn về nhà”. Cậu bé sống ở đây 11 năm. Một năm nay, Thích về trung tâm dạy nghề nhân đạo Cô Tô ở Thụy Khuê, Hà Nội, vừa học văn hóa vừa thực tập nghề khảm trai.

 

Suốt bấy nhiêu năm, năm nào cũng cứ gần Tết là bạn bè lục tục sửa soạn đồ đạc chuẩn bị về nhà. Thích tủi lòng chỉ biết trốn đi khóc một mình, nỗi thèm khát về gia đình lại trỗi dậy.

 

Có lúc nghe mọi người bảo giọng nói của mình hao hao giọng ở Phú Xuyên, Thích một mình đạp xe đến vùng này. Dọc đường, gặp ai cậu cũng hỏi thăm về “ngôi làng có mẹ tên là Các, có trường mẫu giáo với cô giáo tên Ly”, nhưng không ai giúp được cậu. Lần khác, thấy nhiều người bảo giọng mình giống giọng ở Vĩnh Phúc, Thích lại đạp xe tìm về Vĩnh Phúc. Lần này, Thích đã đạp xe qua chính ngôi làng của mình ở Mê Linh, rồi quay về Hà Nội mà không hay biết.

 

Để nguôi bớt nỗi nhớ gia đình, suốt 12 năm qua, Thích đã thành kính lấy tên người cha quá cố đặt cho mình: Lê Văn Tọa.

 

Tìm lại con nhờ TV

 

Khi Thích bị lạc, mẹ và bốn chị gái ở quê tá hỏa chia nhau đi tìm nhưng cậu bé vẫn bặt vô âm tín. Người mẹ, bà Lê Thị Các, đổ bệnh nằm liệt giường sáu tháng liền. “Bố nó mất khi nó mới 2 tuổi. Trước khi lìa đời, ông ấy trăng trối là phải chăm sóc các con khôn lớn. Thế mà nó sống chết nơi đâu tôi cũng không biết”, mắt đẫm lệ, bà nhớ lại.

 

Ngày quốc tế thiếu nhi (1/6) năm nay, cô em họ của Thích là Lê Thị Hạnh, trọ học ở Hà Nội, xem chương trình truyền hình “Vì an ninh tổ quốc” kể về tổ ấm trẻ mồ côi Cô Tô. Gương mặt Thích chỉ lướt qua khuôn hình vỏn vẹn bốn giây; nhưng khoảng thời gian ngắn ngủi đó vừa đủ cho Hạnh nhận ra anh mình.

 

“Mình cảm giác có luồng điện chạy dọc sống lưng. Hình ảnh anh Thích bây giờ và hồi xưa cứ luân phiên xuất hiện trong trí nhớ. Linh cảm mách bảo mình đó là người anh họ mười mấy năm lưu lạc”, Hạnh kể. Ngay lập tức, cô gọi điện báo tin cho mọi người ở quê.

 

Tờ mờ sáng hôm sau, hai chị gái của Thích vội vã khăn gói lên Hà Nội. Bà Các ở nhà bấm đốt ngón tay tính từng giây để được gặp con.

 

Thích lúc này vẫn đang lên xưởng học nghề Cô Tô, tỉ mẩn với những đường khảm. Có người đưa hai chị vào gọi, Thích ngớ người trong giây lát rồi chợt hiểu ra cơ sự. Cậu ôm chầm lấy hai chị khóc nức nở.

 

“Thích khác trước nhiều quá nhưng đôi mắt một mí và vết sẹo sau gáy ngày xưa em bị ngã ở sân đình thì không thể nhầm đâu được”, chị gái Nguyễn Thị Bình nói.

 

Ngay chiều hôm ấy, Thích theo hai chị về nhà. “Mẹ ơi!”, cậu gọi mẹ từ ngoài ngõ rồi chạy ào vào căn phòng tối. Bà Các ôm lấy con hôn lấy hôn để lên mặt, lên trán, lên tay: “Mẹ tưởng đã mất con vĩnh viễn”. Thích ôm chặt lấy mẹ, khóc òa như đứa trẻ lên mười.

 

Về lại ngôi nhà mình, Thích một mạch chạy ra cái ao đầu làng mà ngày xưa mấy chị em rủ nhau tắm, rồi tới ngôi trường mẫu giáo - giờ đây chỉ còn sân gạch cũ bỏ hoang, dù bên cạnh vẫn còn đấy cây gạo cổ thụ.

 

Và một buổi sáng, Thích dậy rất sớm, ra mộ thắp hương cho bố rồi sửa soạn hành lý cùng gia đình quay lại Trung tâm Bảo trợ xã hội 4 ở Ba Vì, Hà Tây để nói lời cảm tạ.

 

Theo Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm