1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Tĩnh:

Tiểu thương ngủ vạ vật suốt đêm... canh chợ

(Dân trí) - Do chưa đồng thuận với các giải pháp thực hiện đóng cửa chợ huyện của chính quyền địa phương đưa ra, nhiều ngày qua, hàng trăm tiểu thương buôn bán tại chợ huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã thức trắng đêm để canh giữ chợ.

Tiểu thương Kỳ Anh trắng đêm giữ chợ

 

Những hình ảnh này được PV Dân trí ghi lại vào lúc 1h sáng ngày 5/11 tại khu vực chợ trung tâm huyện Kỳ Anh cũ. Hàng chục bà con, đại diện cho hơn 500 hộ tiểu thương mang giường gấp, chăn gối ra nằm vất vưởng quanh các lối dẫn vào cửa chợ.

Ngoài bảo vệ tài sản bên trong, việc các tiểu thương trắng đêm ngủ lại chợ nhằm ngăn không cho chính quyền địa phương tiến hành đóng cửa chợ huyện (còn gọi là chợ Hôm) để chuyển sang ngôi chợ mới hiện đại hơn, được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, với số vốn đầu tư lên đến hơn 160 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc người dân trắng đêm canh giữ chợ huyện xuất phát từ sự chưa đồng thuận với một số chính sách mà chính quyền địa phương thị xã Kỳ Anh đưa ra.

Trong khi phía chính quyền cho rằng, chợ huyện này được xây dựng từ năm 1994, diện tích 8.000 m2, đã xuống cấp nghiêm trọng lại nằm giữa khu dân cư, không có diện tích mở rộng, hệ thống giao thông xung quanh hạn chế, việc nâng cấp để đạt tiêu chuẩn chợ hạng I, hạng II là bất khả thi, nên việc đóng cửa chợ để chuyển toàn bộ tiểu thương tại đây sang chợ mới là cần thiết, phù hợp xu thế phát triển của địa phương. Quá trình xây dựng chợ mới, cả chính quyền địa phương và chủ đầu tư đã làm đúng quy trình.

Chưa đồng thuận với các giải pháp mà chính quyền địa phương đưa ra, nhiều ngày qua bà con tiểu thương chợ huyện Kỳ Anh thức trắng đêm để canh giữ chợ.
Chưa đồng thuận với các giải pháp mà chính quyền địa phương đưa ra, nhiều ngày qua bà con tiểu thương chợ huyện Kỳ Anh thức trắng đêm để canh giữ chợ.

Tuy nhiên, qua nhiều lần đối thoại, phía người dân cho rằng, việc xây dựng chợ mới thiếu minh bạch trong việc lựa chọn chủ đầu tư, thiếu công khai các thông tin về dự án, dự án triển khai không những không tính hết lợi ích cho bà con tiểu thương mà còn khiến bà con khó di chuyển tới chợ mới do chi phí vào chợ mới quá cao.

Ông Nguyễn Ngọc Tiệp, môt tiểu thương nêu ý kiến: "Phải hiểu cho hoàn cảnh tiểu thương, như tôi mới mua một ki ốt với giá 200 triệu cách đây 2 năm, bây giờ tự dưng chuyển sẽ bị thiệt hại rất nhiều". 

Chị Lâm Thị Hiền, một tiểu thương buôn bán hàng tạp hóa cũng bức xúc: “Mấy năm nay, tôi phải vay mượn cả trăm triệu đồng để duy trì kinh doanh tại đây, nợ nần vẫn chưa trả hết. Hoàn cảnh của tui chồng mất sớm, con thì còn tuổi ăn, tuổi học, không biết lấy đâu ra tiền để mua ki-ốt tại chợ mới?".

Nhiều tiểu thương trắng đêm canh chợ cho biết, họ sẵn sàng vào chợ mới nếu chính quyền địa phương lắng nghe, giải quyết thấu đáo nhiều nguyện vọng, đảm bào lợi ích của họ vốn đã chịu nhiều thiệt thòi khi phải rời xa nơi đã gắn liền với miếng cơm manh áo của họ hàng chục năm nay. 

Được biết, trước đó, Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có cuộc đối thoại với bà con tiểu thương tại chợ Kỳ Anh nhằm tháo gỡ những vướng mắc nói trên. 

Minh Đức - Tiến Hiệp