Tiêu chảy cấp nguy hiểm đã lan khắp cả nước
(Dân trí) - Chiều 9/4, trong cuộc họp giao ban phòng chống dịch tiêu chảy cấp, Bộ trưởng Bộ Y tế thông báo, gần 1000 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm nhập viện trong một tháng qua thì có 122 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Tiêu chảy cấp đã lan khắp 3 miền.
Bắc - Trung - Nam đều có dịch
Cả nước có 16 tỉnh có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó Quảng Bình là “đại diện” của miền Trung, TP Hồ Chí Minh là đại diện cho miền Nam. Các địa phương thuộc miền Bắc là Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Thanh Hoá, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh.
Tuy trong cuộc họp giao ban phòng chống tiêu chảy cấp chiều 9/4, lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và lãnh đạo Bộ Y tế chưa có thông tin cụ thể về ca nhiễm phẩy khuẩn tả đầu tiên ở địa bàn này, nhưng trên thực tế, bệnh nhân đã được xác nhận. Đó là một cụ bà đã 71 tuổi (phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức). Bệnh nhân này nhập viện ngày 6/4, trong tình trạng đau quặn bụng, tiêu chảy toàn nước và nôn. Kết quả cấy phân của bệnh nhân này tại BV Nhiệt đới cho thấy dương tính với phẩy khuẩn tả.
Theo báo cáo của các tỉnh có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm, dịch bệnh tại địa phương vẫn rất phức tạp. Ở một số tỉnh, tuy số ca mắc mới ít hơn nhưng địa bàn lại xảy ra rộng hơn.
Tại Hải Phòng, đại diện Sở Y tế cho biết, địa phương này có tỷ lệ bệnh nhân dương tính vớiphẩy khuẩn tả rất cao, 54 dương tính trên tổng số 60 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm.
Dịch đã xảy ra ở 9/15 quận, nhiều nhất là quận Lê Chân với 23 ca dương tính trong tổng số 27 bệnh nhân, quận Ngô Quyền là 14/15 ca dương tính.
Tỉnh Thanh Hoá tính từ trường hợp đầu tiên đựơc pháp hiện ngày 26/3 đến nay có 73 bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm trên địa bàn 7 huyện, trong đó 19 dương tính vi khuẩn tả. Hiện 67 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện.
Đại diện Sở Y tế Thanh Hoá cho biết, mấy ngày gần đây, số lượng bệnh nhân phải nhập viện vì tiêu chảy cấp nguy hiểm có giảm đi, nhưng lại xảy ra ở nhiều địa bàn hơn.
Riêng Hà Nội là địa phương có số bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm nhiều nhất, với khoảng trên 700 ca tiêu chảy tại 13/14 quận huyện, trong đó 44 trường hợp được xác định dương tính phẩy khuẩn tả.
Trong hai ngày 7, 8/4, số bệnh nhân tại Hà Nội nhập Viện Các bệnh truyền nhiễm & Nhiệt đới Quốc gia là 81 bệnh nhân. Như vậy, theo PGS.TS Nguyễn Đức Hiền cho biết, trong tổng số tích luỹ trên 500 bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm điều trị tại viện thì có 294 trường hợp nghi ngờ dương tính với phẩy khuẩn tả.
“Vẫn là đuôi của dịch cũ”
Đó là trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế trước câu hỏi của giới báo giới, là đã đến lúc Bộ Y tế cần phải chính thức công bố dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm quay trở lại hay chưa?
Kể từ tháng 10/2007 đến nay, Việt Nam xảy ra 3 đợt dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Ðợt thứ nhất kéo dài từ ngày 23/10 đến ngày 6/12/2007 ở 14 tỉnh, thành phía bắc với 1.878 ca, trong đó có 295 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Ðợt thứ hai kéo dài từ ngày 24/12/2007 đến ngày 5/2/2008 ở Hà Nội với 58 ca (32 ca do khuẩn tả). Ðợt thứ ba, bắt đầu từ ngày 6/3 đến nay, đã có gần 1000 ca, trong đó 122 dương tính với phẩy khuẩn tả, ở 16 tỉnh, thành thuộc cả 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Như vậy, về tính chất, đợt dịch thứ 3 đang diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều địa phương (16 tỉnh thành), đáng nói, nó không còn là dịch xảy ra tại khu vực miền Bắc như hai đợt dịch trước, mà đã lan tới miền Trung, miền Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu, đợt dịch này vẫn là đuôi của đợt dịch đầu tiên từ tháng 10/2007 đã được Bộ Y tế công bố khống chế thành công!
Dịch có thể xảy ra trên quy mô lớn
“Dịch tả có thể sẽ tiếp tục xảy ra, có thể với quy mô lớn với nhiều người mắc và lan ra nhiều tỉnh nếu chúng ta làm không kiên quyết, người dân không có ý thức vệ sinh cộng đồng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư nhận định.
Vì trên thực tế, vi khuẩn tả đã lan ra môi trường, nhất là môi trường nước bề mặt, người lành mang trùng (tỷ lệ người lành mang vi khuẩn khoảng 50 - 75%)… và con số bệnh nhân nghi mắc vẫn tăng lên từng ngày, mở rộng ra nhiều tỉnh.
Trong khi đó, nguy cơ lây lan bệnh tả là rất cao do ở các vùng nông thôn không có nhà tiêu hợp vệ sinh, người dân có thói quen phóng uế thẳng ra mương, kênh, sông… rồi lại dùng nguồn nước này để tới rau, sử dụng phân tươi tưới rau…
Tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là mối nguy lớn. Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã lấy mẫu người tiếp xúc làm xét nghiệm có 68/455 trường hợp dương tính. 15/384 mẫu nước dương tính. Mẫu nước này gồm nước cống thải, nước hồ, ao, nước sông, mương, nước rửa tay.
Còn có 4/319 mẫu rau, thực phẩm dương tính rơi vào các loại rau sống, rau thơm, rau dền, thịt chó chín. Trong lần lấy mẫu xét nghiệm này, có 148 mẫu mắm tôm, nhưng không phát hiện mẫu nào mang vi khuẩn tả. Tuy nhiên, trong mắm tôm vẫn không đạt vệ sinh vì có nhiều vi khuẩn, nấm vượt quá giới hạn cho phép của Bộ Y tế.
Hơn nữa, việc đi lại, giao lưu giữa các tỉnh, việc lao động tự do tập trung ở các thành phố lớn… khiến việc phát hiện, quản lý được tất cả người lành mang trùng là vô cùng khó. Ngay cả những ca bệnh xảy ra tại các địa phương việc quản lý cũng rất khó khăn do bệnh xảy ra tản mát, không tập trung.
Vì thế, dự báo dịch xảy ra trên quy mô lớn là hoàn toàn có khả năng nếu người dân không nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế, là ăn chín, uống sôi, vệ sinh sạch sẽ.
Hồng Hải