Tiết trời đẹp, nhiều cung bậc cảm xúc trong ngày đầu năm 2015
(Dân trí) - Người dân cả nước đang trải qua ngày đầu tiên của năm 2015 trong tiết trời nắng đẹp, với đa dạng các hoạt động vui chơi, giải trí trong nhiều cung bậc cảm xúc...
Hà Nội: Tiết trời đẹp, đường phố bình yên, thênh thang...
Ngày đầu tiên của năm mới 2015, Hà Nội đẹp mờ ào trong sương sớm. Đường phố bình yên, giá lạnh, hơi lệch nhịp với chuỗi ngày ồn ào đem lại cảm giác khoan khoái. Không có xe máy chở trẻ đi học, mặt đường thênh thang, nhiều cánh cửa vẫn khép chặt trong nắng sớm chiếu xiên.
Trong không khí tiết trời mát dịu của ngày Tết dương lịch, hàng ngàn người dân đã đổ về các điểm vui chơi để giải toả những mệt nhọc sau một năm làm việc, cống hiến. Khắp các tuyến đường đều dược trang trí lộng lẫy, cờ quốc tung bay phất phới.
Dù nhiều người đang ở TP.HCM tranh thủ dịp nghỉ lễ dài ngày để về quê nhưng người dân từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long...đổ về các tụ điểm vui chơi giải trí như Công viên Đầm Sen, Suối Tiên, Thảo Cầm Viên vẫn đông nghẹt.
10h30, tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn vẫn đang diễn ra hàng loạt chương trình văn nghệ, vui chơi thu hút hàng vạn người dân. Trước các cổng của Thảo Cầm Viên có hàng ngàn người xếp hàng để gửi xe, chờ mua vé vào cổng, càng về trưa, lượng khách đến vui chơi càng đông. Lực lượng bảo vệ liên tục phải nhắc nhở người dân cẩn thận tài sản.
Chị Phùng Thuỳ Linh, ngụ Gò Vấp cho biết: “Bình thường vé vào cổng thăm quan Thảo Cẩm Viên là 15 ngàn đồng nhưng nay tăng lên đến 50 ngàn đồng là quá cao. Gia đình tôi đi gần 20 người nên số tiền mua vé vào cổng cũng gần 1 triệu đồng”.
Trong khi đó, tại Khu du lịch Suối Tiên, từ sáng sớm, hàng nghìn du khách đã đứng chen lấn xếp hàng ở các quầy mua vé vào cổng. Tại các quầy vé, nhân viên làm việc không ngừng nghỉ khi dòng người xếp hàng mua vé dài dằng dặc. Đến hơn 10h, lượng người đổ về càng đông khiến không khí nơi đây càng thêm sôi động.
Khi các điểm trông giữ của Suối Tiên không còn chỗ trống, nên nhiều người phải gửi tại các bãi xe tự phát bên ngoài với giá 20.000 – 30.000 đồng/xe.
Cũng vào sáng nay, nhiều dịch vụ ăn uống cũng đông hơn ngày thường khá nhiều. Các điểm ăn sáng trên đường Quang Trung, Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp), khu vực đường Hồng Hà, Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa, Trường Chinh (quận Tân Bình) cũng tấp nập người ra vào. Tuy nhiên, giá cả vẫn không thay đổi so với ngày thường. Tại nhiều hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận lượng người đến mua sắm tăng đột biến.
Huế: Sáng Tết tây yên tĩnh, trong lành
Dường như dư âm của cuộc chơi tối Giao thừa và những mệt mỏi của cả năm cũ khiến người Huế thức dậy muộn hơn. Nhiều đường phố chính tại Thành phố Huế như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hùng Vương... theo ghi nhận của PV đến hơn 9h sáng vẫn lác đác, thưa thớt xe cộ qua lại. Nhiều quán ăn cũng đón người đến chậm hơn so với mọi ngày. Các quán café cũng bắt đầu có người, dự đoán đến gần trưa mới đông kín quán như thường lệ vì người Huế uống café rất nhiều vào sáng này.
Thời tiết đẹp, se lạnh, ít mưa rất thuận lợi cho các gia đình đi chơi, vui vẻ tại các quán ăn trong hôm nay. Trên khuôn mặt mọi người gặp trên đường, ai cũng có ít nhiều niềm vui bộc lộ ra với nụ cười, tiếng nói – hy vọng một năm mới với nhiều điều thật tốt lành sẽ đến với tất cả mọi nhà.
Đường Lê Lợi vào lúc 9h sáng vẫn thưa thớt người
Đường Nguyễn Trường Tộ đầy bóng xanh của cây trong lành đón năm mới
Đường Nguyễn Huệ cũng ít người qua lại
Quán cafe Sầu Đông bên bờ sông Hương cũng chỉ có vài bàn khách đến góp vui đầu năm 2015
Không gian ấm áp, nhiều chất nghệ thuật tại quán cafe Hello đường Trần Thúc Nhẫn đã gần kín khách
Đoàn khách Nhật tham quan trường Quốc Học đầu tiên trong ngày Tết Tây
Cháu bé ngộ nghĩnh tạo dáng cho mẹ chụp hình trước cổng trường Quốc Học - nơi bác Hồ đã từng theo học thời niên thiếu
Bố chơi xe điện với con gái trong Nhà văn hóa thiếu nhi TP Huế
Các nhóm bạn trẻ Huế chơi trò chơi về các đặc trưng của vùng đất cố đô Huế tại quảng trường Bia Quốc Học vui vẻ với nụ cười tươi tắn chúc mừng năm mới 2015 (Ảnh: Đại Dương)
Chọn một chỗ ngồi ở quán cà phê vỉa hè nhìn ra bờ sông Hoài, gia đình chị Nguyễn Phương Thi đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chúng tôi đến đây từ hôm qua (31/12/2014), đêm giao thừa Tết Tây trời mưa khiến chúng tôi lo khó mà đi tản bộ ngắm phố khi có hai con nhỏ. Nhưng sáng ngày đầu năm mới nắng ấm chan hòa thật tốt quá. Từ Hội An, chúng tôi sẽ đi Đà Nẵng, Huế đến hết 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch năm nay”.
Ghi nhận của PV Dân trí tại trung tâm phố cổ, rất nhiều du khách, đặc biệt nhiều du khách nước ngoài đón ngày đầu năm mới 2015 ở phố cổ Hội An. Ở khu vực bùng binh - điểm tổ chức trò chơi dân gian Bài Chòi bên bờ sông Hoài, không khí ngày đầu năm mới rộn ràng với lễ đón đoàn khách quốc tế “xông đất” phố cổ năm mới 2015.
Sáng 1/1/2015, nhiều người đã đổ về các quán cà phê trên địa bàn TP Đà Nẵng để tận hưởng ngày nghỉ lễ đầu tiên trong đợt nghỉ lễ kéo dài 4 ngày. Thời tiết lúc sáng sớm có mưa nhưng nửa buổi thì tạnh, có nắng nhẹ. Người dân có vẻ thong dong hơn trong ngày đầu năm.
Theo khảo sát của chúng tôi, hầu như các quán cà phê lớn, đẹp, các quán cà phê cóc có vị trí đẹp đều đông hơn hẳn. Nếu như những quán cà phê cóc là sự lựa chọn của các bạn trẻ, các bạn sinh viên thì khách hàng của những quán cà phê có đẹp là các gia đình trẻ.
Chị Thảo (trú quận Liên Chiểu) cùng chồng và hai đứa con uống cà phê tại một quán gần chợ Hòa Khánh cho biết: “Sáng ra cả gia đình ra ngoài ăn sáng rồi gọi điện cho gia đình đứa bạn ra đây uống cà phê. Ngày thường ai cũng bận bịu cả. Chỉ có ngày lễ mới tụ tập được thế này thôi”.
Còn Huy – sinh viên trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng đang ngồi cùng bạn bè tại một quán cóc cho biết: “Bọn em vừa thi học kỳ xong, được nghỉ lễ nữa là cả tuần nhưng vì nhà xa nên em không về. Đợi đến tết âm rồi về luôn. Tối qua cả nhóm tụ tập đón giao thừa ở ký túc xong rồi sáng nay ra đây uống cà phê”.
Tại TP Quy Nhơn (Bình Định), khác với không khí trầm lắng buổi sáng sớm do thời tiết se lạnh, ít nhiều ảnh hưởng đến người dân xuống phố du xuân, nhất là những gia đình đang có con nhỏ.
Theo ghi nhận, nếu như trước 8h phố phường vẫn vắng bóng người tấp nập qua lại thì khoảng 9 giờ sáng, khi ánh nắng vàng ấm chiếu xuống những con đường rợp bóng cờ bay. Hàng ngàn, người dân đổ về các điểm vui chơi, trung tâm thương mại tạo nên không khí náo nhiệt.
Năm nay, Tết dương lịch được nghỉ tới 4 ngày, nhưng người dân thành phố vẫn chọn những điểm du lịch nội thành phố để tận hưởng những ngày nghỉ cùng gia đình, người thân và bạn bè.
Anh Nguyễn Minh Hùng (TP Quy Nhơn), chia sẻ: “Vợ chồng mình cùng là công chức nhà nước chẳng mấy khi có thời gian nghỉ dài ngày để đi du lịch nên cũng rất muốn đi xa nhưng vì con cái còn nhỏ nên đành chọn du lịch nội thành”.
Ghi nhận của PV Dân trí, khoảng 9h sán 1/1, đông đảo người dân trong ngoài tỉnh đổ về khu danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử đang an nghỉ tại đồi Thi Nhân, phía dưới chân đồi là bãi tắm Hoàng Hậu và bãi biển Quy Nhơn như một “vầng trăng khuyết” đẹp mê hồn.
Trương Định Luật (SV năm 3, ngành Tài chính ngân hàng – ĐH Quy Nhơn), thành viên trong nhóm các sinh viên đang học trên địa bàn tỉnh Bình Định chia sẻ: “Bản thân em rất mê phượt, thường dịp nghỉ hè dài ngày một mình em tự du lịch “phượt” nhiều nơi như Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế… nhưng Tết dương lịch chỉ 4 ngày nên chẳng thể đi xa. Hơn nữa, sinh viên tụi em tiền bạc không có nên nhóm bạn thân chúng em lâu nay chơi với nhau tổ chức dã ngoại ngay trong thành phố cho tiết kiệm”.
Trong khi đó, đây là dịp cuối năm nên các siêu thị với nhiều chương trình bán hàng khuyến mãi cũng hút người dân ở các huyện lân cận về phố chơi Tết và mua hàng dịp này.
Trong khi đó, tại một số điểm nổi tiếng của Bạc Liêu, nổi bật là Khu nhà “Công tử Bạc Liêu” có rất đông khách đến “xông đất” ngày đầu năm. Theo ghi nhận của PV Dân trí, khách đi từng đoàn, trong đó có nhiều gia đình đến từ nhiều tỉnh, thành như Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp…Không khí tại khu nhà nổi tiếng nhất Bạc Liêu này khá nhộn nhịp.
Bên trong cửa chính vào khu nhà, con trai “Công tử Bạc Liêu” là ông Trần Trinh Đức kê một chiếc bàn ngồi kể chuyện và bán sách về cha ông- “Công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy cho khách. Biết ông là con trai của “Công tử Bạc Liêu”, nhiều khách cũng đã chụp ảnh cùng ông Đức làm kỷ niệm.
Nhà "Công tử Bạc Liêu" được xây dựng từ năm 1919, hiện tọa lạc tại số 13, đường Điện Biên Phủ, phường 3, TP Bạc Liêu, nằm ngay cạnh bờ sông Bạc Liêu. Khu nhà trước đây là của gia đình ông Hội đồng Trần Trinh Trạch (cha Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy) ở. Hiện khu nhà được tu bổ trở thành "bảo tàng" trưng bày nhiều hiện vật được cho là của gia đình Công tử Bạc Liêu ngày xưa sử dụng. Trong đó có những hiện vật rất có giá trị như chiếc giường nóng lạnh nhiều tỷ đồng...Nơi đây thời gian qua trở thành một điểm thu hút khách phương xa khi đến Bạc Liêu.
Nhóm Phóng viên