Tiếp tục “cãi nhau” về qui trình xử lý
Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng công bố nguyên nhân nước bẩn tại TPHCM, việc áp dụng phương pháp xử lý Mangan (Mn) của Nhà máy nước Tân Hiệp được coi là một giải pháp khắc phục nước nhiễm bẩn.
Tuy nhiên, vừa qua đơn vị tư vấn thiết kế nhà máy Tân Hiệp (NMTH) - Công ty Nước và môi trường Việt Nam (Viwase - thuộc Bộ Xây dựng) lại cho rằng qui trình xử lý này là lãng phí, không cần thiết và đã có công văn đề nghị Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho dừng việc thí nghiệm trên, đưa về qui trình xử lý Mn như cũ.
Lý do Viwase đưa ra là không thể biến một công trình sản xuất thành một mô hình thí nghiệm, đặc biệt đối với công trình sản xuất nước uống, chỉ cần một rủi ro là có thể gây ra hậu quả khó lường. Việc tăng Clo dư tại bể chứa của NMTH theo qui trình mới chỉ làm tăng sự ăn mòn kim loại và ảnh hưởng đến máy bơm. Theo Viwase, nguyên nhân gây nước đục trong mạng lưới vừa qua không phải là do qui trình xử lý trước đây của NMTH.
Trong khi đó, ban lãnh đạo NMTH cho rằng đề nghị của Viwase là không có cơ sở. Nguyên nhân chính gây nước đục là do Mn của NMTH trước đây chưa được xử lý tốt. Bằng chứng là từ khi áp dụng qui trình mới (tháng 4/2006) đến nay, tình trạng nước đục đã giảm hẳn và hầu như không còn xuất hiện trên mạng lưới cấp nước.
Tại các cuộc hội thảo về nguyên nhân gây nước bẩn vừa qua, nhiều nhà khoa học ủng hộ cách làm của phía NMTH nhưng lưu ý cần có một “hội đồng khoa học” đánh giá lại qui trình này liệu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu người dân thành phố hay không. Sawaco cũng đã thành lập một đơn vị để thẩm định lại qui trình xử lý Mn của NMTH. Tuy nhiên đến thời điểm này, qui trình xử lý trên vẫn chưa được “cấp phép” hoạt động.
Ông Trần Đình Phú - tổng giám đốc Sawaco - cho biết khi nào nguyên nhân nước bẩn được công bố mới có thể đưa ra nhận định về vấn đề trên. Trong khi đó, một cán bộ của Sawaco cho biết hiện chất lượng nước trong mạng đã tốt hơn nên tạm thời qui trình mới vẫn được tiếp tục tiến hành.
Theo Quang Khải
Tuổi Trẻ