1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Tiếp dân mà để “chuyện nhỏ gộp thành chuyện to” sẽ gây bức xúc

(Dân trí) - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng nếu tiếp dân chỉ để tiếp, người tiếp không có thẩm quyền quyết, vấn đề cứ lưu đi lưu lại thì “vấn đề nhỏ gộp lại thành vấn đề to”, người dân cảm thấy bức xúc.

Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội (Ảnh: T.K)
Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội (Ảnh: T.K)

- Những vấn đề nóng mà cử tri quan tâm sẽ được giải quyết tại kỳ họp này hay không, thưa bà?

- Trong báo cáo của Chính phủ, đặc biệt kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp nổi lên một số điểm nhấn, vấn đề người dân quan tâm như quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, khai thác cát trái phép...

Tôi nhận thấy Chính phủ nỗ lực, cố gắng trong việc ban hành quy trình rõ ràng, minh bạch trong bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ cũng như vấn đề khai thác cát, bán hàng đa cấp, hay vấn đề tính ổn định thi cử... Tuy nhiên có những vấn đề rất khó, việc giải quyết cần nguồn lực, có sự phối hợp giữa các bộ ngành nên việc giải quyết bước đầu có kết quả nhưng về thời gian chưa dứt điểm được.

Do đó cử tri mong kỳ họp này vấn đề liên quan quản lý tài nguyên khoáng sản như khai thác cát trái phép phải được giải quyết dứt điểm. Hay như vấn đề xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong các dự án đầu tư dàn trải, thiếu tính hiệu quả. Đặt biệt là bổ nhiệm và quy trình bổ nhiệm. Nội dung này cũng sẽ được đề cập trong báo cáo giám sát giải quyết kiến nghị cử tri tới đây, rằng trong giải quyết cần tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Trước tới nay thường thanh kiểm tra khi có vấn đề xảy ra thì giờ cần răn đe phòng ngừa khi thanh kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu, thanh tra công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao. Tăng cường rà soát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, các kiến nghị... xem việc thực hiện như thế nào.

Cử tri có nêu vấn đề rằng tới thời điểm này chưa có cá nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm về việc chưa thực hiện nghị quyết giám sát của Quốc hội và các kiến nghị của Uỷ ban của Quốc hội trong các lĩnh vực, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu trong bổ nhiệm, khai thác khoáng sản, tài nguyên. Đây là điều cử tri băn khoăn.

Hơn nữa việc tăng cường tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo từ cấp cơ sở sẽ giảm bức xúc ngay từ ở địa phương, tăng cường hiểu biết pháp luật cũng như nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân.

- Theo báo cáo của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, nhiều kiến nghị, vấn đề liên quan trực tiếp người đứng đầu mà báo chí nói nhiều cũng không chịu lên tiếng, điển hình như tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông?

- Tôi hiểu vấn đề quản lý tài nguyên khoáng sản của đất nước là thứ không sinh ra được nên là vấn đề lo ngại, mà từ rất nhiều kỳ họp rồi và báo cáo này nói vấn đề này được nêu ra rất nhiều lần. Trước đây báo cáo cử tri liên quan người dân tập hợp số đông, kiến nghị vùng miền tuy nhiên trong một số kỳ họp gần đây, kể cả báo cáo đánh giá sơ bộ về phát triển kinh tế-xã hội có những điểm nhấn, thể hiện vấn đề.

Vấn đề cử tri quan tâm rất nhiều, nhưng thời hạn nhất định từ giờ đến cuối năm hay đầu năm sau cần tập trung giải quyết dứt điểm thì báo cáo cáo Uỷ ban MTTQ Việt Nam nhấn mạnh mấy điểm, trong đó có quản ký khai thác tài nguyên khoáng sản, cụ thể ở đây là nhấn rất mạnh vào quản lý khai thác cát và sự phối hợp giữa cơ quan tổ chức với chính quyền địa phương.

Tôi cho rằng việc nhấn mạnh ý đó trong báo cáo cộng với giám sát của cơ quan của Quốc hội và quan tâm của người dân, báo cáo trình bày cả nước theo dõi, thấy rằng điểm đề cập rất đáng báo động nên tôi tin tưởng ở kỳ họp sau thì vấn đề này được báo cáo giải quyết tương đối tốt, tương đối dứt điểm, như xử lý được bao nhiêu trách nhiệm người đứng đầu để cho cát tặc lộng hành, hay khởi tố thế nào... Nếu ảnh hưởng như sạt lở nghiêm trọng và chứng minh được liên quan do hút cát thì có thể xem xét khởi tố hình sự.

- Như bà từng nhấn mạnh thì ở đâu người đứng đầu vào cuộc thì sự việc có thể giải quyết rốt ráo, dứt điểm?

- Tôi cho rằng nguyên tắc tập trung dân chủ nhưng vai trò người đứng đầu rất quan trọng. Kiến nghị của cử tri cũng chính là mong muốn của xã hội thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri người ta mới thể hiện được thì người đứng đầu tập trung giải quyết sẽ có kết quả khác hẳn. Như việc trả lời cử tri nếu được Bộ trưởng trực tiếp tham gia đọc kiến nghị, chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết, trả lời thì chất lượng khác hẳn, giải quyết dứt điểm được rõ ràng và cử tri đồng tình.

Tôi lấy ví dụ như việc tiếp công dân, nhà có việc gì mà gặp được chủ tịch phường thì ông ấy quyết luôn kiến nghị đúng hay sai, xử lý thế nào. Còn nếu cứ giao cho vị phó chủ tịch không có thẩm quyền quyết, rồi lại phải báo cáo lại thì chất lượng khác hẳn, thậm chí vị phó chủ tịch đó lại giao cho đồng chí khác chuyên trách tiếp công dân là Chánh văn phòng của UBND chẳng hạn thì tiếp chỉ để tiếp, không có thẩm quyền quyết nên vấn đề cứ lưu đi lưu lại, vấn đề nhỏ gộp lại thành vấn đề to, người dân cảm thấy bức xúc.

Trong khi đó chỉ cần tham gia nghe kiến nghị, giải quyết, thậm chí giải thích cho người dân là đã hiểu rồi. Nên tôi nhấn mạnh vai trò người đứng đầu trực tiếp tham gia giải quyết vấn đề liên quan đến nhiệm vụ và trách nhiệm của mình là rất quan trọng và nó ảnh hưởng lớn đến chất lượng việc giải quyết vấn đề mà người dân và cử tri mong muốn.

Tôi nghĩ rằng cái này cần đưa vào là tiêu chí để đánh giá kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 cũng như đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, của người đứng đầu, mà ở diễn đàn Quốc hội nó là tiêu chí đánh giá Bộ trưởng, trưởng ngành.

- Xin cảm ơn bà!

Kha Xuân Lộc (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm